Lệnh trừng phạt sẽ được gia hạn thêm 6 tháng, đến cuối tháng 1/2022. Các ngoại trưởng EU sẽ chính thức ký lệnh tại cuộc họp ở Brussels ngày 12/7. Chúng nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng chủ chốt của Nga.
Các biện pháp này được áp đặt vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Kế hoạch hòa bình cho miền đông Ukraine, được thống nhất giữa Moskva, Kiev, Berlin và Paris vào năm 2015, không đạt được tiến bộ nào. Giao tranh lẻ tẻ vẫn xảy ra giữa lực lượng Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Điện Kremlin đã làm gia tăng căng thẳng vào đầu năm nay bằng cách triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới nước láng giềng.
EU đang tìm cách sửa đổi chiến lược đối phó với Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng chính sách trừng phạt của khối đã "đi đến giới hạn".
Đức và Pháp tuần trước đề xuất tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin, hoạt động đã bị đóng băng kể từ năm 2014. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU phản đối. Họ yêu cầu người đứng đầu chính sách đối ngoại Josep Borrell và Ủy ban châu Âu "đưa ra lựa chọn về các biện pháp hạn chế bổ sung, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế" với Nga nếu quan hệ trở nên xấu thêm.
Phương Vũ (Theo AFP)