Trước sự hoài nghi, đặc biệt là từ các quốc gia có chung biên giới với Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24/6 khẳng định đề xuất gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin của họ là "hành động ngoại giao cần thiết" .
"Theo ý kiến của tôi, chúng ta, với tư cách là Liên minh châu Âu, cũng cần thúc đẩy liên hệ trực tiếp với Nga và Tổng thống Nga", Merkel nói trước khi bay đến Brussels để họp với các lãnh đạo EU.
"Chỉ Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với Tổng thống Nga là không đủ. Tôi rất hoan nghênh điều đó, nhưng EU cũng phải tạo ra các diễn đàn để đối thoại", bà nói thêm.
Một số lãnh đạo châu Âu đã chỉ trích đề xuất này, nói rằng nó có thể gây ấn tượng rằng phương Tây đang "cho qua" các hành động được coi là "gây bất ổn" của Nga đối với các nước láng giềng. "Chúng tôi có cảm giác như mình đang cố gắng đánh nhau với một con gấu để giữ cho bình mật ong an toàn", Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói trước cuộc hội đàm tại Brussels.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga hoan nghênh ý tưởng về cuộc gặp thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Âu. "Chúng tôi nhìn nhận sáng kiến này một cách tích cực. Tổng thống Putin ủng hộ tạo một cơ chế đối thoại và tiếp xúc giữa Brussels và Moskva", Peskov nói.
Sự lạnh nhạt giữa các đồng minh, cùng vụ chạm trán gần đây giữa tàu tuần tra Nga và tàu khu trục Anh ở Biển Đen, cho thấy khó khăn mà Biden và các lãnh đạo châu Âu gặp phải trong việc ổn định quan hệ với Moskva.
Trong những năm gần đây, Macron liên tục cố gắng cải thiện quan hệ với Nga, khi Moskva đang xích lại gần Bắc Kinh. Nhưng những nỗ lực đó bắt nguồn từ việc Điện Kremlin không sẵn sàng chấm dứt điều mà phương Tây gọi là sáp nhập Crimea bất hợp pháp và ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine. Nga bị cáo buộc tiến hành các chiến dịch gây bất ổn chống lại phương Tây, bao gồm các cuộc tấn công mạng và lan truyền thông tin sai lệch. Điện Kremlin cũng bị chỉ trích về cách đối xử với người hoạt động đối lập.
EU từng "chìa nhành ô liu" với Nga khi cử đại diện về chính sách đối ngoại Josep Borrell đến Moskva vào đầu năm nay. Nhưng người đồng cấp Nga đã công khai chỉ trích ông này và thông báo với ông trong cuộc họp rằng Nga sẽ trục xuất ba nhà ngoại giao châu Âu.
Hôm 23/6, Nga tuyên bố đã bắn cảnh cáo một tàu khu trục Anh đi gần Crimea, bán đảo Nga đã sáp nhập từ Ukraine năm 2014. Điện Kremlin cáo buộc tàu chiến Anh xâm phạm lãnh hải. Trong khi đó, chính phủ Anh, vốn coi việc Nga sáp nhập Crimea là bất hợp pháp, cho biết tàu của họ hoạt động ở vùng biển Ukraine và không có phát súng cảnh cáo nào được bắn ra.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh các hành động của họ nhằm chứng minh luật pháp tồn tại và khẳng định Anh đã đúng khi thực thi quyền tự do hàng hải.
Trong khi đó, Peskov gọi đây là hành động khiêu khích có chủ đích của Anh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn nói rằng thông tin phía Anh đưa ra là "lời nói dối trơ tráo". Bộ Quốc phòng Nga sau đó công bố video chứng minh tàu biên phòng nước này đã nhiều lần cảnh báo tàu chiến Anh và bắn cảnh cáo về phía chiến hạm này.
Các nhà phân tích đánh giá Điện Kremlin đã mô tả sự việc theo cách để thể hiện với người dân trong nước rằng phương Tây là bên gây hấn. Đồng thời, họ muốn nhấn mạnh cho phương Tây thấy sự kiểm soát của Nga với Crimea.
"Đối với Nga, quan hệ đối đầu không thành vấn đề, bởi vì điều đó càng làm tăng tầm quan trọng của họ", Agnieszka Legucka, nhà phân tích tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, tổ chức tư vấn ở Warsaw, nhận định. "Nga đang khai thác văn hóa đối thoại của châu Âu, vì chúng ta luôn đề xuất những kiểu thỏa thuận mới".
Kể từ khi Anh rời EU, các quốc gia luôn hoài nghi Nga như Ba Lan "đã mất đi một đối tác hiểu rõ nỗi lo sợ của chúng tôi và có cùng quan điểm về mối đe dọa từ Nga", bà nói.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước đã tái khẳng định cam kết của liên minh trong việc răn đe và phòng thủ trước bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga. Tuy nhiên, bằng cuộc gặp với Putin, "Tổng thống Biden đã mở ra cánh cửa cho Pháp và Đức thử thiết lập lại quan hệ với Nga", Legucka nói.
Phương Vũ (Theo WSJ)