![]() |
Được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ tạo thuận lợi cho VN. |
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Quản lý cạnh tranh Bộ Thương mại, việc EC công nhận toàn bộ nền kinh tế VN hoạt động theo cơ chế thị trường đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ giới hạn trong các tranh chấp thương mại quốc tế, mà còn thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Hiện nay, EC chưa công nhận VN là nước có nền kinh tế thị trường hoàn toàn, nhưng đã trao quy chế kinh tế thị trường tạm thời cho VN. Theo quy chế này, EC sẽ xem xét từng vụ việc cụ thể các doanh nghiệp bị kiện có đủ điều kiện hưởng quy chế kinh tế thị trường hay không. Nếu doanh nghiệp chứng minh được hoạt động theo cơ chế thị trường thì các số liệu được họ đưa ra về giá và chi phí sản xuất sẽ được chấp nhận, thay vì phải sử dụng nguồn thay thế từ một nước thứ 3.
Ngày 28/5 năm ngoái, Bộ Thương mại đã có Công hàm chính thức đề nghị EC xét công nhận quy chế kinh tế thị trường theo 5 tiêu chí mà EC đặt ra. Sau đó đến tháng 10, VN đã nhận được ý kiến phản hồi của EC yêu cầu bổ sung chi tiết một số nội dung cụ thể.
Dự kiến, tháng 10 tới hai bên sẽ tiếp tục gặp nhau để thảo luận về vấn đề này.
5 tiêu chí đánh giá nền kinh tế thị trường của EC bao gồm: 1. Mức độ ảnh hưởng của Chính phủ đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp, bất kể là trực tiếp hay gián tiếp, chẳng hạn thông qua việc áp dụng giá cả do nhà nước ấn định, hoặc phân biệt đối xử trong chế độ thuế, thương mại hoặc tiền tệ. 2. Không có hiện tượng Nhà nước can thiệp bóp méo hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến khu vực tư nhân hoá. Không sử dụng cơ chế thương mại phi thị trường hoặc các hệ thống đền bù (ví dụ như thương mại hàng đổi hàng). 3. Ban hành và thực thi luật doanh nghiệp minh bạch và không phân biệt đối xử, đảm bảo quản lý doanh nghiệp một cách thích hợp (áp dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, bảo vệ cổ đông, đầy đủ thông tin chính xác về doanh nghiệp) 4. Ban hành và áp dụng một hệ thống luật thống nhất, hiệu quả và minh bạch đảm bảo tôn trọng quyền sở hữu tài sản và đảm bảo sự vận hành của quy chế phá sản doanh nghiệp. 5. Tồn tại một khu vực tài chính đích thực hoạt động độc lập với Nhà nước, với đầy đủ các quy định về các biện pháp đảm bảo tín dụng và giám sát điều chỉnh về mặt pháp luật cũng như trên thực tế. (Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Thương mại) |
Hà Vy