Bán tôm tại Thái Lan. |
Về phần mình, Bangkok đang tìm cách vận động hành lang đối với các quan chức EU. Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA) cho rằng tôm xuất khẩu của nước mình sang EU đáng được hưởng mức thuế như của Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, các nhà xuất khẩu Thái Lan đang hy vọng chính phủ thuyết phục được EU cho họ hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP), giúp hạ thuế nhập khẩu đối với tôm Thái Lan từ 12-20% như hiện nay xuống còn khoảng 4,2-7%.
Tháng 1/1997, EU đã xoá bỏ một nửa các mức ưu đãi về thuế dành cho tôm xuất khẩu của Thái Lan, và xoá bỏ hoàn toàn ưu đãi vào năm 1999 khi nước này có những dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Do không còn được hưởng GSP, nên tôm xuất khẩu của Thái Lan sang EU phải chịu mức thuế 12%, trong khi các nước đối thủ cạnh tranh khác như Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi 4,2%. Lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan sang thị trường này vì vậy đã giảm mạnh tới gần 85%, từ 32.866 tấn năm 1995 xuống còn 5.180 tấn năm 2003.
Đầu năm 2002, chính sách "dư lượng bằng 0" của EU tiếp tục gây khó khăn cho tôm nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước châu Á khác. Các nhà xuất khẩu thủy sản xứ chùa vàng lúc đó đã yêu cầu chính phủ thực hiện trả đũa với các lô hàng nhập khẩu xuất xứ EU. Giờ đây, Bangkok còn đem cả những hợp đồng mua máy bay Airbus ra để cự nự. Vì vậy, theo giới quan sát, có lẽ Brussel phải nhượng bộ để tránh những tổn hại không đáng có này.
Năm nay, xuất khẩu tôm của Thái Lan sang EU dần hồi phục. Riêng 7 tháng đầu năm, tôm đông lạnh xuất khẩu sang thị trường này tăng 64% về lượng (từ 2.296 tấn lên 3.768 tấn) và tăng 65% về giá trị (từ 585 triệu baht lên 965 triệu baht).
Hiện tại, EU đang dành quy chế GSP cho 7.000 sản phẩm của 178 nước. Các qui chế thực hiện GSP được EU xây dựng theo thời hạn 10 năm. Qui chế GSP hiện tại sẽ hết hạn vào năm tới, và qui chế GSP mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2006 đến 2015.
Liên quan tới diễn biến vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ, một công ty của Brazil có tên Norte Pesca đã thông báo với Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ không tiếp tục tham gia vào cuộc điều tra có liên quan đến những cáo buộc bán phá giá. Đây là cuộc điều tra nhằm xác định mức thuế cuối cùng áp đặt lên tôm đông lạnh xuất khẩu của công ty. Theo công ty Norte Pesca, kết quả lợi ích của quá trình điều tra này không thể bù đắp được với những chi phí tốn kém của nó. Mức thuế sơ bộ mà DOC áp đặt cho công ty Norte Pesca là 67,8%. Giám đốc điều hành Công ty Norte Pesca, ông Rodrigo Hazin, nói công ty sẽ ngừng xuất khẩu tôm sang Mỹ và sẽ đầu tư sang các thị trường khác như Nga hay Nhật Bản. Pesca đã phải chi khoảng 68.000 USD để trang trải các chi phí phát sinh từ những yêu cầu của nhóm điều tra viên DOC đến Brazil nhằm thu thập các thông tin cần thiết, cho phép chính phủ Mỹ xác định biên độ phá giá.
Song Linh