Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/3 thông báo triển khai chiến dịch quân sự Lá chắn Mùa xuân nhằm vào quân đội chính phủ Syria tại Idlib, nhằm đáp trả vụ máy bay Syria không kích khiến 34 binh sĩ nước này thiệt mạng. Hành động này khiến căng thẳng giữa Ankara và Damascus gia tăng trong bối cảnh Syria mở chiến dịch giành lại tỉnh Idlib khỏi tay các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Xung đột ở Idlib là một bài toán khó giải với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, bởi nếu không can thiệp, các nhóm nổi dậy được Ankara dày công huấn luyện, trang bị sẽ bị quân đội chính phủ Syria nghiền nát. Nhưng khi đưa quân vào Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với lực lượng dày dạn kinh nghiệm thực chiến của Syria, cũng như hỏa lực yểm trợ của không quân Nga và vụ không kích khiến 34 binh sĩ chết là một ví dụ.
Erdogan đã thất bại khi không thể kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO, trong đó yêu cầu các nước trong khối bảo vệ lẫn nhau khi một thành viên bị tấn công. Mỹ cũng thẳng thừng từ chối yểm trợ hỏa lực không quân cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết nước này chỉ hỗ trợ về khí tài và nhân đạo.
Sau khi không thuyết phục được các đồng minh phương Tây, ông chuẩn bị lên đường tới Moskva gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận về tình hình Idlib.
Giới phân tích cho rằng các động thái của Erdogan có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ "mất cả chì lẫn chài" khi không thể lôi kéo sự ủng hộ từ bất kỳ siêu cường nào, thậm chí gây nguy cơ bị quay lưng do Ankara từng nhiều lần lợi dụng, đẩy hai bên vào thế đối đầu nhằm phục vụ toan tính riêng.
Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng họ đã thiết lập được biên giới mới ở Syria với thỏa thuận lập vùng giảm căng thẳng ở Idlib hồi cuối năm 2018. "Erdogan muốn kiểm soát phần lớn tỉnh Idlib và vùng đệm rộng 50 km tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nhằm cắt đôi lãnh thổ do người Kurd kiểm soát tại Syria", nhà phân tích chính trị Tom Luongo tại Mỹ nhận xét.
"Ông ấy tuần này có thể ôm hôn, cảm ơn Putin, nhưng sang tuần sau đã có thể yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển giao tên lửa phòng không Patriot", Luongo nói, cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông "điều khiển" được cả Washington và Moskva nhằm thu về những lợi ích chiến lược.
Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ tức giận khi quyết đặt mua và biên chế tổ hợp phòng không S-400 do Nga chế tạo, buộc Washington đáp trả bằng cách loại Ankara khỏi dự án siêu tiêm kích F-35 và từ chối bán 105 chiếc F-35A được nước này đặt mua.
Quan hệ Moskva - Ankara cũng bất ngờ xấu đi khi hành động quân sự leo thang của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib dường như đã khiến Nga tức giận. Lực lượng quân sự Nga tại Syria cảnh báo họ sẽ không bảo đảm an toàn cho chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Idlib. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Nga sẽ không can thiệp nếu phòng không Syria phóng tên lửa vào tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ trên không phận tây bắc nước này.
"Tôi cho rằng Erdogan đã đánh giá quá cao khả năng của mình và ông ấy đang trong trạng thái tuyệt vọng", Luongo nói.
Không chỉ rơi vào thế khó trong vấn đề đối ngoại, Erdogan cũng phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng gia tăng trong nước. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất ủng hộ Erdogan sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016. Tuy nhiên, ông đã thất bại trong hai cuộc bầu cử tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul trong vòng 12 tháng qua, trong khi tỷ lệ ủng hộ với Erdogan hiện chỉ còn hơn 40%.
Tình trạng thất nghiệp đang tăng lên, trong khi Erdogan kêu gọi ngân hàng trung ương hạ mức lãi suất để đối phó lạm phát. "Erdogan đã chọc tức tất cả những bên từng giúp ông ấy vượt qua khủng hoảng ngân sách năm 2018", Luongo đánh giá.
Giới chuyên gia nhận định Erdogan sẽ theo đuổi một thỏa thuận mới về vấn đề Syria trong chuyến thăm Moskva nhằm giữ thể diện và duy trì quyền lực. Dù vậy, nhiều khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải ra về tay trắng.
"Putin cần Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Erdogan. Tôi nghĩ tất cả các bên đều đã mệt mỏi với việc bị đẩy vào thế đối đầu vì cuộc chơi của Ankara và Erdogan đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa các siêu cường. Sẽ không còn ai cứu giúp Erdogan khi ông ấy mất quyền lực", Luongo cảnh báo.
Vũ Anh (Theo Sputnik)