Câu chuyện được tài khoản Kebao chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Douban của Trung Quốc. Người này cho biết chị gái mình tốt nghiệp một trường đại học thuộc nhóm 985 (dự án xây dựng các trường đại học mang đẳng cấp thế giới) nhưng khi ra trường, người chị lại từ bỏ công việc với mức lương 300.000 tệ mỗi năm (hơn một tỷ đồng) để làm nhân viên tại một văn phòng cộng đồng ở tỉnh Sơn Đông. Mức thu nhập giảm ít nhất 1/3.
Quyết định này được đưa ra dưới sự tác động của gia đình. Bố mẹ cô giải thích công việc mới sẽ nhàn hơn và dễ dàng tìm một người chồng "trong hệ thống". Đây là cách nói mô tả những người làm việc trong bộ máy chính quyền và các công ty nhà nước tại Trung Quốc.

Nhiều phụ huynh Trung Quốc cho rằng công việc ổn định, lương thấp giúp con cái họ dễ lấy chồng. Ảnh minh họa: Shutterstock
Từ lâu, công chức nhà nước được coi là "bát cơm sắt" giúp người lao động không bị thất nghiệp. Đây cũng là yếu tố được đánh giá cao trong chuyện hôn nhân, giúp phụ nữ có thêm thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Điều này đang khiến nhiều gia đình khuyến khích con cái thi tuyển.
Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của lao động thành thị trong độ tuổi 16-24 của nước này ở mức 19,6% vào tháng 3 năm nay, cao hơn 2,5% so với tháng 11/2022, trước khi nới lỏng chính sách phòng chống Covid-19.
Những vấn đề về thị trường việc làm đã thúc đẩy ngày càng nhiều sinh viên tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học và công chức sau tốt nghiệp. Năm nay có hơn 4,7 triệu người đã đăng ký tham gia kỳ thi sau đại học, tăng 170.000 so với năm ngoái và gấp đôi năm 2017.
Hiện có 2,5 triệu người đã tranh 37.100 vị trí trong kỳ thi tuyển công chức quốc gia. Báo cáo trên Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh cũng cho thấy hơn 5 triệu người đã thực hiện các bài kiểm tra công chức cấp tỉnh.
Dưới bài viết, người em gái cảm thấy buồn và tiếc cho chị, bởi bản thân tin rằng hôn nhân không bao giờ nên là lý do khiến ai đó quyết định nghề nghiệp.
Nhiều người dùng mạng để lại bình luận: "Nếu gia đình bạn trai muốn chị tôi làm công chức để giảm áp lực, chúng không sai. Nhưng đó là lý do để lấy chồng thì thật vô lý. Chúng khiến bao nhiêu công sức học tập, tốt nghiệp trường top đầu của cô ấy chẳng hơn gì của hồi môn".
Wei-Jun Jean Yeung, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore nhiều năm nghiên cứu về hôn nhân và gia đình trong xã hội châu Á, nói rằng theo quan niệm truyền thống, phụ nữ Trung Quốc muốn "gả cao", nghĩa là kết hôn với người có học vấn và thu nhập cao hơn mình, còn đàn ông Trung Quốc thì muốn 'lấy thấp'.
"Nhưng ngày nay mọi thứ đang thay đổi. Trình độ học vấn được nâng cao, phụ nữ độc lập về kinh tế khiến hôn nhân không còn là nhu cầu thiết yếu như trước", Yeung nói.
Điều này khiến số lượng người trẻ không chịu kết hôn tăng. Trong 6 năm, số lượng người Trung Quốc kết hôn lần đầu tiên đã giảm 41%, từ 23,8 triệu người năm 2013 xuống còn 13,9 triệu người năm 2019, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Trước thực trạng trên, hồi tháng 9/2021, Chính quyền huyện Tương Âm, tỉnh Hồ Nam, hồi tháng 9 kêu gọi phụ nữ không đến thành phố tìm việc, mà hãy "hợp tác để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng nam - nữ ở quê hương". Khi trang Hongxing News đưa tin này, nhiều người dùng mạng xã hội đã chỉ trích thông điệp của chính quyền Tương Âm, cho rằng "phụ nữ không phải nô lệ".
Minh Phương (Theo SCMP, YomiuriShimbun, CNN)