Cô làm việc trong một công ty thương mại ở Quảng Châu, phía nam Trung Quốc. Thu nhập khá, cô thường dành cuối tuần đi chơi cùng bạn bè. Với Su và bố mẹ, chỉ có một vấn đề cần giải quyết, đó là chuyện cô chưa lấy chồng.
"Khi đó, tôi cảm thấy 30 tuổi là ngưỡng quan trọng. Khi càng tới gần ngưỡng này, tôi càng phải chịu áp lực tìm kiếm người phù hợp để kết hôn, áp lực ấy đến từ bố mẹ và cả bản thân tôi", Su nói.
Giờ cô 31 tuổi, vẫn độc thân, nhưng không còn lo lắng nữa. "Có ích gì khi chung sống với người ta không thích để rồi vài năm sau lại ly dị? Chỉ lãng phí thời gian thôi", Su bày tỏ.
Cô là một trong số ngày càng nhiều người thuộc thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc đang trì hoãn hoặc từ chối kết hôn. Trong 6 năm, số lượng người Trung Quốc kết hôn lần đầu tiên đã giảm 41%, từ 23,8 triệu người năm 2013 xuống còn 13,9 triệu người năm 2019, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Theo giới chức và các nhà xã hội học Trung Quốc, xu hướng này một phần do chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài nhiều thập kỷ, đồng nghĩa với việc số lượng thanh niên Trung Quốc ít đi. Nhưng đây cũng là kết quả của việc thay đổi thái độ với hôn nhân, đặc biệt ở phụ nữ, khi ngày càng nhiều người cảm thấy chán ngán trước xã hội bất bình đẳng giới.
Một số người thậm chí còn lên mạng xã hội chế nhạo phụ nữ kết hôn là "con lừa lấy chồng", thuật ngữ xúc phạm dùng để mô tả người phụ nữ tuân theo quan niệm gia trưởng trong hôn nhân, theo Xiao Meili, một trong những nhà hoạt động bảo vệ nữ quyền hàng đầu Trung Quốc.
"Kiểu công kích cá nhân này hiển nhiên là sai lầm, nhưng nó cũng thể hiện thái độ sợ hãi với hôn nhân của nhiều người. Họ muốn phụ nữ coi hôn nhân là một định chế bất công với cả cá nhân và phụ nữ nói chung, để quay lưng lại với nó", Xiao, người từng đi bộ 2.000 km kêu gọi cải cách luật lạm dụng tình dục trẻ em, nói.
Làm thế nào để thanh niên sinh con là trọng tâm trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng dân số có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới ổn định kinh tế xã hội của Trung Quốc.
"Hôn nhân và sinh đẻ có mối tương quan chặt chẽ. Tỷ lệ kết hôn giảm sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ sinh, từ đó ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội", Yang Zongtao, một quan chức Bộ Nội vụ, nói trong cuộc họp báo năm ngoái.
"Vấn đề này cần được đặt lên hàng đầu", ông nói, cho biết thêm bộ sẽ "cải thiện các chính sách xã hội liên quan và tăng cường nỗ lực tuyên truyền để hướng dẫn người dân hướng tới các giá trị tích cực về tình yêu, hôn nhân và gia đình".
Năm 2019, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc suy giảm năm thứ 6 liên tục xuống còn 6,6 trên 1.000 người, giảm 33% so với năm 2013 và là mức thấp nhất trong vòng 14 năm, theo số liệu của Bộ Dân sự.
Giới chức Trung Quốc cho rằng tỷ lệ kết hôn giảm do số người trong độ tuổi kết hôn giảm, hậu quả của chính sách một con đưa ra năm 1979. Nhưng các nhà nhân khẩu học đã nhiều năm liền cảnh báo về một cuộc khủng hoảng dân số. Năm 2014, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc lần đầu suy giảm sau hơn 30 năm, buộc các nhà lãnh đạo phải hành động.
Năm tiếp theo, chính phủ Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con, cho phép mỗi gia đình sinh hai con. Chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2016, nhưng tỷ lệ kết hôn và sinh con vẫn không ngừng giảm. Từ năm 2016 tới 2019, tỷ lệ sinh giảm từ 13/1.000 người xuống 10/1.000 người.
Tỷ lệ kết hôn giảm không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở toàn cầu, đặc biệt là các nước phương Tây giàu có. Wei-Jun Jean Yeung, nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore nhiều năm nghiên cứu về hôn nhân và gia đình trong xã hội châu Á, cho biết so với những xã hội Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc khu Hong Kong và đảo Đài Loan, Trung Quốc vẫn có tỷ lệ kết hôn cao nhất.
Nhưng không quốc gia, vùng lãnh thổ nào cố gắng điều chỉnh chính sách dân số như cách Trung Quốc đã làm khi ban hành chính sách một con. Chính sách này đã ảnh hưởng tới hôn nhân theo nhiều mặt, Yeung nói.
Truyền thống trọng nam khinh nữ trong các gia đình Trung Quốc dẫn tới chênh lệch giới tính, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Trung Quốc hiện thừa 30 triệu đàn ông, những người sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm bạn đời.
Thay đổi nhân khẩu học chưa đủ để giải thích nguyên nhân tỷ lệ kết hôn suy giảm nghiêm trọng ở Trung Quốc. Một nguyên nhân nữa là phụ nữ Trung Quốc được tiếp cận giáo dục tốt hơn và độc lập kinh tế hơn.
Trong những năm 1990, chính phủ Trung Quốc triển khai chương trình phổ cập giáo dục 9 năm, đưa trẻ em gái ở các vùng nghèo đói tới trường. Năm 1999, chính phủ mở rộng giáo dục đại học, thúc đẩy tuyển sinh đại học. Tới năm 2016, phụ nữ chiếm 52,5% lượng sinh viên đại học và 50,6% sau đại học.
"Trình độ học vấn được nâng cao, phụ nữ độc lập về kinh tế, nên hôn nhân không còn là nhu cầu thiết yếu như trước", Yeung nói. "Phụ nữ bây giờ muốn theo đuổi phát triển bản thân và sự nghiệp trước khi lấy chồng. Hôn nhân ở Trung Quốc không đơn giản là việc giữa hai người, mà còn là mối quan hệ với nhà chồng, chăm sóc con cái, rất nhiều trách nhiệm đi kèm".
Trong khi đó, tình trạng phân biệt đối xử về việc làm với phụ nữ vẫn phổ biến, khiến họ khó có thể vừa có sự nghiệp, vừa sinh con.
"Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ nghĩ rằng: Tại sao mình lại phải lấy chồng? Có gì đáng trông đợi ở việc kết hôn?" Li Xuan, phó giáo sư ngành tâm lý học đại học New York tại Thượng Hải, người nghiên cứu các vấn đề gia đình, nói. "Bất bình đẳng giới đang thực sự khiến phụ nữ trẻ ở Trung Quốc do dự khi tiến tới hôn nhân".
Ngoài ra, áp lực công việc cùng những giờ làm việc dài mệt mỏi cũng khiến thanh niên không có thời gian và năng lượng để xây dựng mối quan hệ và duy trì cuộc sống gia đình, Li nói.
Thống kê cho thấy cả hai giới đều trì hoãn kết hôn. Từ năm 1990 tới 2016, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng từ 22 lên 25 với phụ nữ và từ 24 lên 27 với đàn ông Trung Quốc. Con số này ở các thành phố lớn thậm chí còn cao hơn. Tại Thượng Hải năm 2015, độ tuổi kết hôn trung bình là 30 với nam và 28 với nữ.
Với Su, cô thường xuyên nghe bạn bè phàn nàn về gánh nặng trong cuộc sống hôn nhân.
"Ngày nay, khả năng kinh tế của phụ nữ đã cải thiện, vì vậy họ đủ điều kiện sống một mình. Nếu tìm một người đàn ông để kết hôn và lập gia đình thì sẽ có thêm nhiều gánh nặng, chất lượng cuộc sống cũng giảm theo", cô nói.
Vị thế kinh tế và xã hội của phụ nữ ngày càng cao cũng khiến việc tìm bạn đời thích hợp càng khó khăn hơn cho cả hai nhóm là phụ nữ có học thức và thu nhập cao, cùng nam giới có học vấn và thu nhập thấp.
"Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ Trung Quốc muốn 'gả cao', nghĩa là kết hôn với người có học vấn và thu nhập cao hơn mình, còn đàn ông Trung Quốc thì muốn 'lấy thấp'", Yeung nói.
Quan niệm này vẫn tồn tại phổ biến, bất chấp trình độ học vấn và thu nhập của phụ nữ ngày càng tăng.
Các giá trị tình yêu và hôn nhân cũng thay đổi sau một chặng đường dài từ khi Trung Quốc mới thành lập tới nay.
Trong thời kỳ Đại Nhảy Vọt, Trung Quốc khuyến khích người dân sinh càng nhiều càng tốt, vì đất nước cần lực lượng lao động xây dựng kinh tế. Hôn nhân khi đó đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đất nước.
Năm 1950, Trung Quốc thông qua Luật Hôn nhân mới, cấm hôn nhân theo sắp đặt và cấm lấy vợ bé, cho phép phụ nữ ly hôn. Nhưng trên thực tế, hôn nhân sắp đặt vẫn rất phổ biến, còn tự do kết hôn và ly hôn không có nghĩa là tự do yêu đương.
"Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tình yêu trai gái thường bị coi là thứ đại diện cho chủ nghĩa tư bản, là thứ cần đấu tranh chống lại", Pan Wang, chuyên gia về hôn nhân Trung Quốc tại Đại học New South Wales, nói.
Từ đó tới nay, xã hội Trung Quốc đã thay đổi nhiều giá trị và quan niệm. Thế hệ thiên niên kỷ ở Trung Quốc lớn lên, được hưởng nhiều quyền tự do hơn ông bà và cha mẹ sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, nên không còn coi hôn nhân là nghĩa vụ mà là lựa chọn cá nhân.
Cái nhìn của xã hội với việc sống thử và quan hệ tình dục trước hôn cũng cởi mở hơn, cũng như sự phổ biến của các biện pháp tránh thai và nạo phá thai, đã tạo điều kiện cho thanh niên có nhiều mối quan hệ lãng mạn bên ngoài hôn nhân hợp pháp. Họ coi hôn nhân là biểu hiện kết nối tình cảm, không chỉ là công cụ sinh sản.
Star Tong, 32 tuổi, từng tin rằng lãng mạn, hôn nhân và sinh con là những điều sẽ đến với một cô gái bước qua tuổi 20. Lo lắng vì còn độc thân, cô từng tham gia 10 buổi xem mặt, đa số do cha mẹ sắp đặt, sau khi ngoài 25 tuổi.
Nhưng chẳng buổi nào thành công. Tong kiên trì muốn tìm một đối tác cùng chung sở thích và quan điểm sống, từ chối chọn đại một người chỉ để kết hôn.
"Giờ thì tôi nhận ra lấy chồng không phải lựa chọn duy nhất", cô nói. "Hoàn toàn ổn nếu ở một mình. Tôi hoàn toàn hạnh phúc, có nhiều bạn bè, tập trung vào phát triển sự nghiệp, chăm sóc bản thân và bố mẹ".
Tong cho hay cô cảm thấy được động viên khi nhìn thấy xã hội đã thay đổi cái nhìn với phụ nữ độc thân. Năm 2007, Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc từng dùng từ "gái ế" để mô tả về những người phụ nữ trên 27 tuổi chưa lập gia đình. Cuối năm đó, Bộ Giáo dục thậm chí còn thêm thuật ngữ này vào từ điển từ vựng, tiếp tục phổ biến nó.
Kể từ đó, thuật ngữ này thường xuyên gây tranh cãi và dẫn đầu các cuộc thảo luận trực tuyến, đa phần có nội dung chỉ trích phụ nữ học vấn cao quá "kén chọn". Trong những năm gần đây, nhiều học giả và nhà bảo vệ nữ quyền bắt đầu chỉ trích thuật ngữ ngày. Năm 2017, báo của Liên đoàn Phụ nữ cho biết sẽ không sử dụng thuật ngữ mang tính chất phân biệt đối xử này nữa.
Trong những dịp đoàn tụ gia đình, Tong thường bị họ hàng khuyên nhủ chớ "kén chọn" khi tìm bạn đời.
"Tôi từng nghĩ từ này mang tính chất xúc phạm", cô nói. "Nhưng bây giờ, tôi nghĩ đó là việc mình được quyền chọn những gì mình muốn. Chẳng có gì sai cả".
Tài chính cũng là một yếu tố khiến giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn. Đối với nhiều gia đình, mua nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Nhưng nhiều đôi vợ chồng trẻ đơn giản là không đủ tiền mua nhà, thứ cực kỳ đắt đỏ ở Trung Quốc, và không phải cha mẹ nào cũng đủ tiền tiết kiệm để giúp đỡ các con.
Không phải ai cũng cần mua nhà, nhưng hệ thống phúc lợi xã hội ở Trung Quốc được xây dựng dựa theo cách mà quyền sở hữu nhà trở thành việc tối quan trọng với những người muốn kết hôn và cho con cái một tương lai tốt đẹp hơn, theo nhà tâm lý học Li Xuan.
Sở hữu một ngôi nhà gần trường học tốt sẽ giúp con cái tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao. Những đôi vợ chồng giàu có thường sẵn sàng trả giá cao cho loại bất động sản đáng thèm muốn này.
Joanna Wang là một sinh viên 24 tuổi, người Thành Đô, phía nam Trung Quốc. Cô và bạn trai yêu nhau được ba năm. Họ định sống cùng nhau ở Thượng Hải khi cô tốt nghiệp thạc sĩ ở Hong Kong, nhưng chưa lên kế hoạch kết hôn.
"Mọi thứ khi kết hôn đều tốn kém, mà tôi không thể kiếm tiền nhanh để chi trả những khoản này", cô nói.
Áp lực tài chính không chỉ tồn tại ở thành phố lớn. Ở nông thôn, gia đình nhà trai phải trao "sính lễ" cho nhà gái, thường dưới dạng một khoản tiền lớn hoặc một căn nhà. Tục lệ này tồn tại ở Trung Quốc suốt nhiều thế kỷ, nhưng "sính lễ" tăng vọt trong những năm gần đây do tình trạng mất cân bằng giới ngày càng nghiêm trọng, cụ thể là tình trạng thừa nam giới ở nông thôn do chính sách một con và đô thị hóa.
Trước cuộc khủng hoảng dân số, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách và chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Truyền thông nhà nước liên tục tuyên truyền rằng sinh con "không phải là chuyện của gia đình, mà còn là chuyện quốc gia". Ở các thành phố và nông thôn, khẩu hiệu tuyên truyền sinh con thứ hai xuất hiện khắp nơi, thay thế khẩu hiệu cũ đe dọa trừng phạt nghiêm khắc nếu vi phạm chính sách một con.
Sau khi đưa ra chính sách khuyến sinh hai con, chính quyền các tỉnh đã kéo dài thời gian nghỉ sinh trên 98 ngày theo tiêu chuẩn quốc gia, lên mức nhiều nhất là 190 ngày. Một số thành phố cũng bắt đầu trợ cấp tiền mặt cho các cặp vợ chồng sinh con thứ hai.
Năm 2019, một số đại biểu của Đại hội Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp của Trung Quốc, đề xuất hạ độ tuổi kết hôn tối thiểu xuống 18 cho cả hai giới. Luật hiện hành quy định nam từ đủ 22 tuổi và nữ từ đủ 20 tuổi mới được kết hôn. Nhưng đề xuất này đã bị chỉ trích trên mạng, với nhiều ý kiến cho rằng chính áp lực xã hội và tài chính mới khiến giới trẻ không muốn kết hôn, chứ không phải độ tuổi.
Trong khi đó, đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã nhận niệm vụ mai mối, tổ chức các sự kiện hẹn hò giúp người độc thân tìm bạn đời. Các nhà chức trách không chỉ khuyến khích kết hôn, mà còn cố gắng giữ cho những cặp vợ chồng duy trì hôn nhân.
Năm ngoái, cơ quan lập pháp Trung Quốc đưa ra thời gian "hòa giải" với những người nộp đơn ly hôn. Luật mới có hiệu lực từ năm nay đã gây tranh cãi, khi nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, cho rằng nó sẽ khiến việc họ rời xa một cuộc hôn nhân đổ vỡ khó khăn hơn, nhất là những nạn nhân bị chồng bạo hành.
Cho tới nay, không chính sách nào giúp đảo ngược tỷ lệ kết hôn sụt giảm. Theo các chuyên gia, vấn đề là không có chính sách nào giải quyết được tình trạng bất bình đẳng giới kéo dài như vai trò giới truyền thống của phụ nữ trong hôn nhân hay phân biệt đối xử trên thị trường việc làm.
Li cho hay đã quan sát thấy sự hồi sinh của ngày càng nhiều vai trò giới truyền thống trong chính sách tuyên truyền của chính phủ trong những năm gần đây.
"Nó liên quan tới nhiều kế hoạch của chính phủ, cũng như cách chính phủ coi phụ nữ và phụ nữ trẻ là nguồn lực xã hội", cô nói.
"Ngày nay, nhu cầu nuôi dạy con cái và chăm sóc người già ngày càng tăng. Với chế độ phúc lợi hiện nay, chúng ta ngày càng cần nhiều người gánh vác việc chăm sóc trẻ em và người già, mà phụ nữ được 'mặc định' cho công việc này. Tôi nghĩ đó là một phần lý do khiến họ quay lưng với việc lập gia đình", Li nói.
Còn Xiao, nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ, cho rằng sự phân biệt đối xử với phụ nữ tại công sở cũng ngày càng tệ hơn từ khi nới lỏng chính sách một con, bởi các nhà tuyển dụng lo ngại ngày càng nhiều phụ nữ sinh con thứ hai và nghỉ thai sản.
Khi những vấn đề trên chưa được giải quyết, áp lực kết hôn, sinh con mà chính phủ đặt lên phụ nữ trẻ càng khiến họ xa lánh hôn nhân.
"Chính phủ cần thay đổi lối tư duy và phương pháp khuyến khích phụ nữ sinh con theo khía cạnh bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Họ không thể coi tử cung phụ nữ là cái vòi nước, thích mở thì mở, thích khóa thì khóa", Xiao nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN)