Ngày bé, chị đã luôn phải chơi một mình, bà nội già yếu, các cô còn trẻ cần theo đuổi những đam mê riêng. Bố vất vả lo toan cho cuộc sống mưu sinh của cả gia đình mình, những buổi vắng nhà nhiều như cơm bữa. Chị chẳng có búp bê xinh nên chị thèm những con búp bê của lũ trẻ hàng xóm lắm. Chị nhìn chúng bằng ánh mắt thèm thuồng để rồi nhận lại cái nguýt dài của con bé nhà bên cạnh. Chị cuộn cái chăn mỏng lại và ôm ấp, chị gọi nó là “em bé bông của chị”… Thế rồi một ngày nọ, khi chị tròn năm tuổi, bố bảo chị nhẹ nhàng: “Con có muốn đi xem em bé bông của con không”?. Chị mừng rỡ gật đầu, mừng hơn cả khi được ăn ké que kem của bạn cùng lớp.
Bố đèo chị đến tập thể cơ quan và dẫn chị vào phòng. Chị gặp lại gương mặt quen thuộc của cô ấy, mỗi lần chị sang chơi cô đều mua quà và cho quần áo đẹp. Lạ chưa kìa, cô đang bế một em bé. Chị ngó vào xem mặt, em bé mũm mĩm, đôi má hồng xinh xinh, cặp môi chúm chím, mắt đen và tròn. Bố lại bảo: “em bé bông của con đấy, con có thích em không”? Chị gật đầu, cười toe toét, nhe mấy cái răng sún, thỏ thẻ nói với bố: “bố ơi, mang em bé bông về nhà mình nuôi nhé”. Bố gật đầu: “Được, con ạ, em trai con đấy”.
Thế là một chiều thu cách đây 25 năm, em và dì về nhà mình, nhẹ nhàng như cổ tích. Chị vui lắm, suốt ngày quấn quýt quanh em, líu lo như một con chim nhỏ. Sao lại có “em bé bông” đáng yêu vậy nhỉ, chị chẳng phải ôm cái chăn nhỏ cũ kỹ nữa rồi, chị có em để ẵm bồng, để cưng nựng rồi. Chị yêu em lắm. Tuổi lên năm của chị tràn ngập trong cổ tích. Chị chẳng thèm bước ra ngoài đời thực để nghe hàng xóm suốt ngày xì xầm: “mấy đời bánh đúc có xương”…
Chị chẳng hiểu vì sao bà nội cứ gắt gỏng với dì. À! giờ chị gọi cô ấy bằng dì (bố bảo gọi thế). Chị thương em lắm. Em bé bông của chị ngoan và xinh như con gái. Em ăn nhiều, ngủ nhiều. Chị chẳng phải còng lưng cõng em như ai kia nói, chị chỉ cần xoa lưng là em ngủ tít.
Càng lớn em càng quấn chị. Em hai tuổi là lúc chị đi học lớp một. Em có gì ngon cũng dành cho chị, khi là cái kẹo mút dở, khi là que kem chảy nước, khi là quả ổi chín thơm lừng.
Nhà nghèo nên dù bé nhưng chị cũng đã làm gần như mọi việc trong nhà. Chị nhớ hôm đó chị bê một nồi nước đun sôi để đổ ra chậu tắm. Em mom men tới gần, chị nhắc “em ơi, tránh ra nước nóng đấy”. Vừa nói xong, nồi nước trên tay chị trượt xuống dội nguyên bên chân trái của em từ đùi xuống tận gót. Em khóc ré lên, chị tái mặt đứng như tượng. Dì chạy ra, gào thét bế em lên, chiếc quần được lột ra kéo theo từng mảng da của em, thịt tươi sưng phồng, đỏ mọng.
Chao ôi, những âm thanh của ngày hôm ấy đã ám ảnh chị suốt thời thơ ấu và có lẽ cho đến cả cuộc đời này. Tiếng khóc của em, tiếng thét của dì, khung cảnh ồn ào, người chạy đi, kẻ chạy lại, quay cuồng, miên man. Hình như chị ngất em ạ, chị sợ quá và thương em quá. Chỉ biết rằng hai chị em mình cùng tỉnh dậy trong bệnh viện. Chị sợ đến run người trước cái nhìn lạnh lùng của dì, trước ánh mắt trách móc của bố, chị chảy nước mắt khi nhìn vào chân em. Em trai yêu của chị, cho đến bây giờ, cứ mỗi lần về nhà, thấy em mặc quần đùi, vết sẹo trắng kéo dài ở chân, chị lại đau đớn.
Sau buổi chiều hôm ấy, chị xuống ở với cô, nhà trên chỉ có bố, dì và em. Chị vì mặc cảm tội lỗi tuổi thơ, vì sợ, nỗi sợ vô hình nên cứ thấy em là chị trốn. Em thì khác, hồn nhiên, vô tư, vẫn tìm chị như trước, vẫn để dành cho chị những món quà ngon. Em không nhớ, còn chị nhanh quên nên chị em ta lại đồng hành với nhau trong những trò chơi thơ ấu.
Chị là con gái, chị chơi đồ hàng, em cũng chơi. Chị nhảy dây, em cũng nhảy. Chị đi ăn trộm nhãn, sai em chui bờ rào nhà hàng xóm, em cũng chui. Để rồi em bị chó hàng xóm cắn vào chân, dì lại xót xa, chị lại mắc tội. Có lần chị với em đi chơi, chị bỏ quên em và chạy đi với lũ bạn, hại em tí nữa thì bị lạc….
Thời gian trôi, chị em mình lớn lên, chị cũng đủ lớn để hiểu “bánh đúc có xương” là gì, nhưng tình cảm gắn bó giữa chị em ta khiến chị chẳng tin vào điều đó.
Em trai. Chị cảm ơn em vì đã là em của chị, cảm ơn em vì đã bên chị suốt tuổi thơ và đến tận bây giờ. Chị đã nợ em nhiều. Yêu em!
Phạm Thị Hà