Ngày 9/4, ông Võ Văn Thương, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND thành phố Đà Nẵng, đã chủ trì buổi họp báo quý I/2015. Ông Thương cho biết, qua báo cáo của các ban quản lý dự án, thành phố đang dư 17.000 lô đất chứ không phải 14.500 lô như trong báo cáo của Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Duy Khương tại kỳ họp 11 HĐND Đà Nẵng khóa 8 ngày 11/12/2014.
Chỉ trong 2 năm 2013-2014, thành phố Đà Nẵng đã phải chi hơn 36 tỷ đồng tiền hỗ trợ để người dân thuê nhà, chờ bố trí đất tái định cư. "Công tác điều hành của 17 ban quản lý rất lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm. Nhiều đơn vị báo cáo không trung thực. Có dự án thiếu, dự án thừa nhưng ban quản lý giấu đất nên thành phố không nắm được", ông Khương khi đó khẳng định.
Ông Võ Văn Thương cho biết, các ban quản lý dự án đã có báo cáo kiểm điểm về trách nhiệm để thừa 17.000 lô đất gửi cho UBND Đà Nẵng. "Các đơn vị đã kiểm điểm, nhưng không thừa nhận giấu đất. Việc để thừa đất như vậy là do chưa nắm hết số liệu, thống kê chưa sát", ông Thương nói và cho hay việc xử lý vi phạm sẽ dựa trên những báo cáo kiểm điểm này.
Liên quan đến việc dư luận Đà Nẵng và cả nước có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc bị chặn đường lên khu du lịch Bà Nà, ông Thương khẳng định chính quyền thành phố đã khuyến cáo người dân không nên đi đường bộ lên đỉnh Bà Nà, chứ chủ trương không phải của chủ đầu tư khu du lịch Bà Nà Hills và chỉ khuyến cáo chứ không cấm.
Theo ông Thương, tuyến đường bộ dẫn lên đỉnh Bà Nà được thành phố xây dựng từ năm 1998. Đến nay đường đã xuống cấp do sử dụng lâu nhưng không được duy tu bảo dưỡng, việc đi lại gây nguy hiểm. "Phía chủ đầu tư khẳng định không chặn barie, cấm người dân đi trên con đường này. Còn nếu họ ngăn barie là không đúng, vì tuyến đường này là của thành phố quản lý", ông Thương nói.
Về việc cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký văn bản đồng ý cho phép cải tạo đất tại xã Hòa Phú (Hòa Vang) khi còn đương chức, nhưng sau đó tân chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản đình chỉ khai thác do phát hiện 6 hộ dân đem đất đi bán với số tiền hàng tỷ đồng, ông Thương khẳng định; "Chủ trương của UBND Đà Nẵng là không sai, nhưng trình tự thực hiện là không đúng nên phải đình chỉ".
Ông Thương nói, đáng ra khi thành phố có chủ trương, UBND huyện Hòa Vang phải phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường mời người dân lên làm thủ tục, cấp giấy phép khai thác. "Việc khai thác khi chưa được cấp giấy phép thì trách nhiệm thuộc về người dân, sau đó là đến huyện Hòa Vang. Theo quy định thì chủ trương và giấy phép phải đi liền với nhau. UBND huyện Hòa Vang phải kiểm điểm lại trách nhiệm của những bên có liên quan", ông nói.
UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Tài nguyên Môi trường kiểm tra việc khai thác đất đồi của 6 hộ dân này, báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét địa điểm nào đình chỉ hẳn hay cho tiếp tục triển khai. Thành phố cũng chủ đạo Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Xây dựng và UBND huyện Hòa Vang rà soát việc khai thác đất đồi trên địa bàn, để đảm bảo về quy hoạch, môi trường, khai thác theo đúng ranh giới cho phép.
Nguyễn Đông