Sáng 11/12, phiên chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai của kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa VIII dành khoảng một giờ để bàn về vấn đề thành phố nợ đất tái định cư. "Hiện thành phố còn hơn 13.000 lô đất trống đã có mặt bằng hạ tầng đầy đủ điều kiện bố trí. Vì sao đất thừa mà không bố trí cho dân tái định cư; trong lúc đó hàng năm thành phố phải bỏ tiền ngân sách ra thuê nhà chung cư cho họ ở tạm. Tình trạng này là do đâu? Ai chịu trách nhiệm?", câu hỏi của nhiều đại biểu nêu.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết, qua rà soát mới đây, Đà Nẵng còn hơn 14.500 lô đất thực tế chưa bố trí tái định cư chứ không dừng lại ở con số 13.000. Cụ thể, có hơn 6 nghìn lô đường 5m, hơn 450 lô biệt thự do các hộ tái định cư chưa đủ điều kiện được cấp, 182 lô nằm trúng tim đường ở ngã ba người dân không chịu nhận... Từ đầu năm 2014 đến nay tiếp tục thi công hạ tầng khu dân cư và có thêm 5.200 lô đất.
Nguyên nhân theo ông Khương là trong những năm trước đây Đà Nẵng giải toả 100.000 hộ dân, mỗi năm có 200 dự án, trong 5 năm từ 2009 đến nay thành phố giải toả thêm 10.000 hộ, áp lực lớn nên đã giao cho 17 đơn vị điều hành dự án giải toả đền bù, bố trí tái định cư để đảm bảo kịp tiến độ. Việc giao cho nhiều đơn vị nên số liệu thống kê không đầy đủ.
"Công tác điều hành của các ban quản lý rất lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm, quản lý tuỳ tiện. Nhiều đơn vị báo cáo không trung thực. Có dự án thiếu, dự án thừa nhưng ban quản lý giấu đất nên thành phố không nắm được và với những nơi thiếu thì phải bố trí tiền mỗi năm hàng chục tỉ đồng để thuê nhà cho dân", ông Võ Duy Khương thẳng thắn nói.
Năm 2013, Đà Nẵng thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất nhưng đến năm 2014 mới quyết định các ban quản lý phải bàn giao toàn bộ đất về trung tâm này. Hiện tại, nhiều ban quản lý vẫn chưa hoàn thành việc bàn giao, 27 % quỹ đất chưa có hồ sơ. "Cuối năm nay UBND TP sẽ họp rút kinh nghiệm. Sắp tới sẽ tinh giảm nhân sự cho các ban này gọn lại, kiểm điểm những cá nhân liên quan và có báo cáo cụ thể về phương thức xử lý", ông Khương nói thêm.
Chưa hài lòng với phần giải trình này, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho biết,có tới 27 chứ không phải 17 đầu mối là các ban quản lý, công ty,...sát nhập thành Trung tâm phát triển quỹ đất của thành phố. "Từ đây mới lộ ra giấu đất. Năm 2013 thành phố chi khoảng 18 tỉ, năm 2014 là 18,2 tỉ để trả tiền cho người dân thuê nhà, con số của tôi tương đối chính xác vì từ Ban ngân sách và Sở tài chính cung cấp", ông Bình khẳng định.
"Sự buông lỏng quản lý của chúng ta dẫn đến sự việc như ngày hôm nay. Rõ ràng nếu quy kết về tội là thiếu ý thức trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vì sao ban quản lý giấu đất mà cơ quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố, rồi trên là lãnh đạo thành phố không biết? Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm", ông Bình đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Đăng Hải, tiếp tục đặt câu hỏi tại sao ban quản lý lại vô cảm đến mức như vậy. Còn đại biểu Thúy Linh nêu ra nghi vấn: "Qua thanh tra có việc giấu đất, giấu chủ đất, đề nghị ủy ban cho biết việc không công khai minh bạch quỹ đất, bố trí đất trong thời gian qua có biểu hiện của lợi ích nhóm hay không?".
Phó chủ tịch Võ Duy Khương giải thích, đất tái định cư mà chưa cấp được cho dân thì phải dùng ngân sách để cho dân thuê nhà. Khoản tiền trên tiếp tục được duy trì trong 6 tháng sau khi người dân đã nhận đất. "Trong kỳ họp này chưa thể đánh giá đầy đủ. Ban nào giấu đất, báo cáo không trung thực thì trưởng ban chịu trách nhiệm, cán bộ trực tiếp xử lý thì chịu trách nhiệm cụ thể", ông Khương nói.
"Tiêu cực một phần do cán bộ cấp dưới hư lại người dân tiếp tay. Có những trường hợp tôi trực tiếp hỏi dân nhưng họ không hợp tác. Về phía chúng tôi không phát hiện được cán bộ có nhận tiền hay không, nên hỏi có lợi ích nhóm hay không tôi cũng bí", ông Khương giải trình thêm.
Chủ tọa phiên họp, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ cho rằng bản thân ông cũng nhận một phần trách nhiệm vì không giám sát đến nơi đến chốn. "Thay mặt thường trực HĐND thành phố, chúng tôi xin nhận thiếu sót trước cử tri, nhân dân toàn thành phố. Đặc biệt là bà con trong vùng di dời giải tỏa phải chịu khó khăn vất vả trong những năm vừa qua", ông Thọ nói trong chương trình được truyền hình trên sóng địa phương.
Theo ông Thọ, cán bộ ban quản lý dự án, ban giải toả đền bù biết có quỹ đất nhưng thiếu trách nhiệm, không báo cáo trung thực và kịp thời, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tuỳ tiện xử lý sai quy định, vượt thẩm quyền ở nhiều trường hợp không cần phải chứng minh vì đã rõ. Người đứng đầu thành phố đề nghị UBND và các ngành chức năng cần tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chung, trách nhiệm từng người có liên quan để sớm báo cáo kết quả cho thường trực HĐND thành phố.
Nguyễn Đông