Sau 20 ngày ông Trump nắm quyền, Elon Musk, với quyền lực do ông Trump giao, đã khiến cho nhiều ban bệ chính phủ Mỹ lâm vào tình trạng "hoảng loạn". Người dân đa phần "chưa thấy gì", chủ yếu là vì những hậu quả chưa lan tới họ.
Ông Trump bắt đầu bằng cách tìm sự ủng hộ đối với các chính sách của ông từ các cử tri. Việc bắt các di dân bất hợp pháp nằm trong quyền lực của tổng thống đồng thời được nhiều người ủng hộ, vì vậy ông Trump đã tự mình chỉ huy chiến dịch này.
Mặt khác, ông Trump phái Elon Musk và một đội ngũ kỹ sư tin học trẻ măng để đi thực hiện những biện pháp cắt giảm ngân quỹ. Để cho người dân tin rằng chính phủ Mỹ xài tiền hoang phí, phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố rằng "Mỹ đã chi 50 triệu đô mua bao cao su cho dải Gaza".
Phát ngôn này bị kiểm chứng và bị cho là truyền thông dối trá, nhưng vẫn nhiều người nghe theo và tin là thật. Đây chính là tiền đề để Elon Musk thực hiện cuộc tấn công vào cơ cấu chính phủ Mỹ.
Bắt đầu là việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID vào "máy xay gỗ". Musk cho rằng USAID là một tổ chức lừa đảo và giải tán USAID, ra lệnh cho toàn bộ nhân viên phải ngay lập tức trở về Mỹ.
USAID thật ra có chức năng cứu trợ nhân đạo để tranh giành ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài. Ở châu Phi, Mỹ gần đây lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở nơi này, và việc rút USAID ra khỏi châu Phi như vậy cũng giống như việc nhường sân chơi cho nước khác.
Cách thức giải tán USAID là một vấn đề lớn. Các nhân viên nhận lệnh trở về Mỹ ngay lập tức và ngưng mọi hoạt động. Chỉ có điều là nhiều nhân viên đang có mặt ở những vùng chiến sự, gần những cuộc giao tranh nội chiến ở châu Phi hay những khu an ninh kém. Họ có sự trợ giúp an ninh của lực lượng được thuê bằng tiền của USAID.
Khi ngân sách bị cắt đột ngột, những nhân viên của USAID bị bỏ mặc, một số người bị cướp tràn vào nhà, một nhóm nhân viên phải tháo chạy ở Congo. Nhiều người bị cắt quyền truy cập hệ thống của chính phủ Mỹ, khiến họ không thể báo cáo cho cấp trên, đặt vé máy bay về Mỹ, và coi như phải ráng chiến đấu cho bản thân để tháo chạy khỏi chiến sự.
USAID cũng mua nhiều thức ăn từ các nông dân Mỹ và chở đến những nơi cứu trợ. Sự cắt giảm đột ngột khiến cho các nhân viên USAID chuyên lo việc xuất khẩu các lô hàng này không được làm việc, khiến nhiều tàu chở lương thực bị bỏ rơi ngay trên cảng, không được phép ra khơi, còn thức ăn bị hỏng thì coi như bỏ.
Mặt khác, Elon Musk và đội ngũ tiến vào hệ thống của Bộ Tài chính và bị cho là đã truy cập được toàn bộ thông tin lưu ở nơi này. Đây là dữ liệu tài chính và nhân thân của toàn dân Mỹ và tất cả các công ty, tổ chức của Mỹ.
Người được truy cập các thông tin này phải trải qua các khóa huấn luyện về an toàn thông tin, an toàn phản gián, được cấp quyền truy cập thông tin tuyệt mật, một quá trình mất rất nhiều thời gian, bao gồm cả việc họ hàng gia đình cũng bị điều tra.
Elon và các nhân viên trẻ tuổi chắc chắn chưa trải được những quy trình này, nhưng nhiều người vẫn tin rằng Musk cần phải có quyền truy cập để xem cắt giảm cái gì.
Vì sao các thông tin này lại được bảo mật đến như vậy? Cơ sở này có các thông tin liên quan tới nhận dạng của các nhân viên chính phủ Mỹ và các nhân viên nhà thầu quân sự Mỹ. Họ là những người nắm giữ các bí mật khoa học chế tạo vũ khí và các kỹ thuật quốc phòng.
Tên tuổi, nhận dạng, nơi ở của những người này là bí mật, bởi họ có thể bị tình báo nước khác nhắm đến để ăn cắp thông tin. Việc những người trẻ tuổi chưa từng qua huấn luyện truy cập các thông tin này không chỉ nguy hiểm cho các nhà khoa học chuyên về khí tài quân sự, nó còn đưa đội ngũ của Elon Musk vào vòng nguy hiểm. Họ có thể bị phản gián nước khác nhắm tới nhằm ăn cắp các thông tin mà họ có được.
Vấn đề khiến các luật gia lo ngại nhất là việc ông Trump đã chỉ đạo cho Elon Musk làm việc bị cho là trái luật. Việc cần phải cắt giảm các khoản chi như nào phải do Quốc hội thông qua.
Việc đưa ra cái gói "nghỉ làm vẫn được trả lương tới tháng 9" là sai luật. Hiện tại ngân sách chỉ cấp tiền tới ngày 12/3, sau đó muốn chi gì thì Quốc hội phải thông qua, lấy đâu ra tiền để chi trả cho nhân viên ngồi chơi xơi nước tới tháng 9?
Thậm chí từ nay tới tháng 3 cũng chả có khoản tiền nào được Quốc hội cấp cho các nhân viên không làm việc cả.
Những gì Elon Musk làm thách thức thể chế của nước Mỹ. Nhiều người không khỏi nghĩ rằng, ông Trump sai Musk làm những việc này vì ông Trump biết rõ là nó sai trái, và Musk coi như quân thí, nếu người dân giận quá thì đuổi Musk khỏi chính phủ, thế là xong.
Các vấn đề này là những vấn đề chuyên môn luật pháp và chính trị của Mỹ. Không có nhiều người có các kiến thức này, cũng như việc không có nhiều người có kiến thức y khoa chuyên ngành.
Vì thế người dân nhanh chóng bị thu hút bởi những lời hứa về hiệu quả, tiết kiệm, mà không biết rằng để giải quyết những vấn đề tồn đọng thì cần phải có quy trình và làm theo luật pháp.
Elon Musk là một kỹ sư và là một doanh nhân, ông ấy không hiểu về hiến pháp và cho rằng mình có thể áp dụng mô hình kinh doanh của X (trước đây là Twitter) vào chính phủ Mỹ.
Nhiều người vẫn khoái chí reo hò cổ vũ bênh vực Musk, mà không biết rằng những gì ông ấy đang làm với chính phủ Mỹ cũng giống như mời một kỹ sư tài năng đem mấy mũi cưa dùi đục tới mổ ruột thừa vậy.
Khanh Huỳnh