Elle mở đầu bằng màn hình đen cùng những tiếng rên rỉ hoan lạc, nối tiếp bằng nội cảnh với một chú mèo nhìn trừng trừng trong vài giây. Sau đó, cặp nam nữ mới lộ diện để khán giả nhận ra đó là một vụ hiếp dâm. Cảnh cưỡng hiếp ngắn ngủi nhưng gây ấn tượng mạnh với cách sắp xếp khuôn hình độc đáo. Màn hình được chia thành hai nửa cân đối: nửa tối là bức tường và nửa sáng là cánh cửa dẫn vào căn phòng tội lỗi. Sự tương phản này như báo trước chủ đề của phim - những mảng màu đối lập trong tâm lý con người.
Sau cảnh đầu có tiết tấu gấp gáp, nhịp phim bỗng chùng xuống lạ thường. Tay thủ phạm bỏ đi còn người phụ nữ đứng dậy, từ từ dọn dẹp các mảnh vỡ ly tách, chén đĩa rồi bước vào bồn tắm. Trái với môtíp đau khổ quen thuộc, nhân vật chính - Michèle LeBlanc (Isabelle Huppert) - tiếp tục cuộc sống thường nhật với một phong thái bình thản gây kinh ngạc. Cô không gục ngã và cũng không báo cảnh sát. Vụ cưỡng hiếp như một việc bình thường, được cô thản nhiên kể lại cho bạn bè. Michèle muốn chống lại những quan điểm truyền thống - đặt cô vào vị trí nạn nhân.
Trọng tâm câu chuyện chuyển sang cuộc sống của người phụ nữ 49 tuổi đã ly dị, giàu có và là chủ một công ty chuyên sản xuất những trò chơi bạo lực và gợi dục. Thế rồi từng vết nứt dần hiện ra, phơi bày những góc khuất bên dưới sự hoàn hảo của Michèle. 39 năm trước, cha cô - một người ngoan đạo - bỗng nổi điên sát hại 27 người hàng xóm và bị kết án chung thân. Michèle căm ghét người cha nhưng cũng thừa hưởng từ ông sự bất ổn tâm lý, bao gồm nhiều ham muốn tiềm ẩn về tình dục và bạo lực.
Kịch bản không mất nhiều thời gian cho việc xác định tên hiếp dâm. Hắn bị lật mặt chỉ sau nửa phim nhưng cách Michèle cư xử với hắn đem đến bất ngờ cho khán giả. Cuộc đụng độ với tên tội phạm giống như cánh cửa hé mở bản năng, đưa Michèle vào trạng thái nửa muốn chống cự, nửa lại bằng lòng. Sự phức tạp trong tâm lý của Michèle tạo ra một nhân vật “nửa chính nửa tà” thu hút người xem.
Trong cấu trúc của Elle, Michèle xuất hiện ở mọi cảnh còn những nhân vật khác chỉ như các vệ tinh xoay quanh cô. Gánh nặng diễn xuất vì thế đặt lên vai Isabelle Huppert, minh tinh 63 tuổi có gia tài đồ sộ hơn bốn thập kỷ cả trong điện ảnh lẫn sân khấu. Theo tờ Independent, lúc đầu Elle dự định quay ở Mỹ nhưng đạo diễn cho rằng ông sẽ không tìm được nữ diễn viên Mỹ nào chịu đóng đề tài gây tranh cãi này. Huppert sau đó được chọn và có một vai diễn xuất sắc trong sự nghiệp. Tính cách Michèle gần giống nhân vật cô giáo dạy đàn trong bộ phim nổi tiếng The Piano Teacher (2001) của Isabelle Huppert.
Khả năng chuyển đổi tâm lý mượt mà của Huppert đưa khán giả đến với từng ngóc ngách của nhân vật một cách tự nhiên, không gượng ép. Nữ diễn viên cũng không ngần ngại thể hiện các cảnh gai góc. Ấn tượng nhất là đoạn Michèle vừa tự sướng vừa nhìn gã hàng xóm đẹp trai (Laurent Lafitte) xếp các bức tượng hoạt cảnh Giáng sinh trong vườn. Tiếng thở dốc và nét mặt mê đắm của Michèle đối lập với sự thiêng liêng tôn giáo, tất cả hòa quyện tạo ra một cảnh quay táo bạo mà cũng đầy gợi tình.
Ở tuổi 78, đạo diễn người Hà Lan Paul Verhoeven là một trong những nhà làm phim hiếm hoi còn theo đuổi phong cách tác gia (auteur), tôn vinh sáng tạo cá nhân chứ không chạy theo thị hiếu chung. Nhiều tác phẩm của ông như Basic Instinct hay Showgirls rất lập dị và gây tranh cãi dữ dội khi ra mắt. Showgirls thậm chí khiến Verhoeven phải lãnh hai giải Mâm Xôi Vàng năm 1996 nhưng ông vẫn đến nhận giải. Sau năm 2000, ông rời bỏ Hollywood để quay về châu Âu làm phim.
So với Basic Instinct - bộ phim đình đám nhất của Paul Verhoeven, Elle tiếp cận những chủ đề nhạy cảm như cưỡng hiếp, bạo dâm một cách ý nhị hơn. Những cảnh gây sốc hay kịch tính được tiết chế, thay vào đó là nhiều trường đoạn đặc tả tâm lý con người. Nhân vật trong phim vừa bất thường lại vừa bình thường, vừa cố tách mình khỏi cuộc sống thường nhật lại vừa gắn chặt với nó. Họ có thể trò chuyện lịch sự với nhau ngoài xã hội nhưng biến thành con người hoàn toàn khác ngay sau đó.
Elle được giới phê bình ca ngợi và đánh dấu cuộc trở lại ngoạn mục của Verhoeven trên màn bạc. Cuối buổi công chiếu tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5, tác phẩm được khán giả đứng dậy vỗ tay tán thưởng suốt bảy phút. Nước Pháp vừa chọn Elle dự tranh giải Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài", hạng mục họ chưa từng chiến thắng kể từ năm 1993 với Indochine (Đông Dương) - bộ phim quay ở Việt Nam.
*Trailer phim "Elle"
Ân Nguyễn