Chung kết Startup Việt 2022 diễn ra chiều 14/12 tại TP HCM, thu hút hàng trăm người tham dự, trong đó có đại diện các công ty khởi nghiệp và các chuyên gia trong ngành. Chương trình do VnExpress tổ chức thường niên này được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất của giới khởi nghiệp.
Điểm nhấn sự kiện là vòng thi pitching của Top 5 startup, gồm SSSMarket, Gadget, eJoy, SaleMall và Metain. Đại diện các đội thuyết trình trực tiếp dự án trên sân khấu và phản biện hội đồng chuyên môn, trước sự chứng kiến của hàng trăm khán giả và hàng chục nghìn độc giả theo dõi qua livestream của VnExpress.
5 startup tham gia pitching
Mở đầu là Trần Vũ Anh trình bày dự án SSSMarket mang tham vọng thay đổi ngành hàng thời trang. Theo nhà sáng lập này, thị trường thời trang đang có tiềm năng lớn, đạt doanh thu cao trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên đây cũng là ngành tạo nên khả năng gây ô nhiễm khi mỗi năm có hơn 400 tỷ USD sản phẩm thời trang bị bỏ đi, hơn 80% số quần áo trong tủ đồ mỗi người không được dùng. Do đó SSSMarket ra đời mong muốn hướng đến thời trang bền vững, trải nghiệm mua sắm tốt đẹp hơn, kết hợp các yếu tố: social, cộng đồng, trải nghiệm mua sắm, chia sẻ.
Trước câu hỏi của ban giám khảo về sự khác biệt, Vũ Anh cho biết điểm nhấn SSSMarket được tạo bởi việc ứng dụng AI, cá nhân hóa khám phá, đa dạng hóa, hợp tác với các đơn vị thời trang xanh. Đồng thời đơn vị cũng lên kế hoạch thu mua, chế biến lại các rác thải thời trang, tái tạo vòng đời sản phẩm. Ý tưởng này cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ hội đồng chuyên môn và khán giả.
Tiếp đến là đại diện Gadget trình bày giải pháp công nghệ Callio chuyên cung cấp giải pháp quản lý nhân viên kinh doanh, nhân viên quản lý khách hàng của doanh nghiệp, giúp tương tác với khách hàng thông qua Internet. Tuy nhiên theo ban giám khảo, mô hình này có thể khiến người dùng đối diện nhiều cuộc gọi rác. Về vấn đề này, đại diện Callio cho biết hệ thống đã phát triển tính năng chặn cuộc gọi rác. Hiện những doanh nghiệp muốn tư vấn qua tổng đài phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Callio cũng áp dụng hình thức này để tăng kiểm soát, tránh tình trạng cuộc gọi rác.
Còn Điệp Bùi - đại diện eJoy - cho biết dự án này ra đời xuất phát từ nhu cầu mong muốn học cách học tiếng Anh qua các chương trình phim ảnh, bài hát..., tạo ra giải pháp phát triển dựa trên nội dung Netflix và YouTube. Sự khác biệt trong mô hình này không chỉ tạo ra khóa học mà còn giúp người dạy tự thiết kế chương trình học. Dự án nhận nhiều câu hỏi từ hội đồng chuyên môn về vấn đề công nghệ và bản quyền. Đại diện eJoy cho biết đang hợp tác với những nhà phát triển nội dung để hoàn thiện, phát triển công nghệ tích hợp, dùng công cụ chia sẻ, kết nối đến eJoy để tạo bài học, đảm bảo vấn đề bản quyền, cá nhân hóa chương trình học thông qua hai yếu tố AI và từ chính người dùng.
"Người dùng cũng có thể tận dụng nhiều nguồn lực trên ứng dụng để thay đổi bài giảng của mình chứ không bó hẹp trong giáo trình. Tức con người có thể tự chủ động thay đổi, cá nhân hóa cho bài giảng", Diệp Bùi nhấn mạnh.
Startup thứ tư tham gia pitching là Salemall. CEO Salemall cho biết, bức tranh về thương mại điện tử tại Việt Nam có hướng phát tiển tốt, cho phép doanh nghiệp phát triển đa nền tảng có cơ hội lớn. Được giám khảo đặt vấn đề về doanh thu và chiến lược trong thời gian tới, vị này chia sẻ nền tảng đang có mức doanh thu ổn định, đang tập trung phát triển ở thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 2021, nền tảng này thu lợi nhuận đạt 500.000 USD.
Phần thuyết trình cuối cùng đến từ Metain. Trần Nhân, CEO công ty, cho biết mình khao khát tạo ra một nền tảng đầu tư bất động sản mà giải quyết đồng thời ba câu hỏi:bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, có bên thứ ba quản lý, có bên thứ ba giữ tài sản? Mất ba năm, Nhân đã tìm ra lời giải: Metain ứng dụng blockchain đề bình đẳng hóa cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Khi được hỏi về vấn đề pháp lý, CEO Metain cho biết, đi theo mô hình thành lập công ty và đăng ký tại Ủy ban chứng khoán ở Mỹ, sau đó là thành lập công ty tại Việt Nam sở hữu tài sản việt Nam, theo mô hình công ty nước ngoài đàu tư vào công ty Việt Nam.
Sau quá trình đánh giá, chấm điểm, ban tổ chức đã công bố eJoy - ứng dụng học tiếng Anh trên đa nền tảng, đã trở thành quán quân Startup Việt 2022, nhận giải gồm 50 triệu đồng tiền mặt và gói truyền thông trị giá 200 triệu đồng.
Các đơn vị còn lại làSSSMarket, Gadget, SaleMall và Metain,được trao gói truyền thông trị giá 150 triệu đồng trên báo điện tửVnExpress, gói giải pháp công nghệ từ FPT SmartCloud trị giá 80 triệu đồng, gói giải pháp nhân sự từ TOP CV Việt nam trị giá 23 triệu đồng.
Màn đối thoại ngẫu hứng của ông Trương Gia Bình
Ngay trước khi công bố kết quả, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT và là thành viên ban giám khảo Startup Việt 2022, gây bất ngờ khi ngồi ngay trên sân khấu để trò chuyện cùng Top 5 startup. Thay vì bài phát biểu như thông lệ, ông "hỏi xoáy đáp xoay" với các ứng viên, cùng họ nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của dự án mình đang phát triển và nhận những tràng pháo tay hưởng ứng từ phía khán giả.
Mở đầu phần đối thoại, vị Chủ tịch chia sẻ những câu chuyện trong lĩnh vực giáo dục. Ông nói, hai năm qua, trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam phải học trên nền tảng online. "Tôi lo lắng trẻ con bé xíu, học trước mặt thầy cô giáo còn không muốn, online sẽ thế nào?", ông Bình nói.
Ông tiếp tục kể những câu chuyện về nền giáo dục thế giới. Có những quốc gia mà FPT đặt văn phòng, khi tuyển nhân sự được đào tạo bài bản thế nhưng lại không thể cùng làm việc. Nhìn lại Isarel, ông tò mò vì sao họ có ít người nhưng giành vô số giải Nobel. Thậm chí, ông còn đích thân sang Isarel, trực tiếp hỏi những người mình gặp, có nhắc nhở con học không? Trường có đặt học tập là đạo đức không? Kinh thánh có đưa việc học vào không? Tất cả câu trả lời là không. "Chúng ta ai cũng được học. Còn họ ai cũng học được. Từ đó có học thuyết: học kiến tạo xã hội. Trong chúng ta như một thành lũy lego, mỗi lần học là một miếng ghép, cứ học và trở thành lâu đài kiến thức", ông Bình nói.
Chia sẻ với eJoy, ônh nhấn mạnh, cá nhân hóa học tập là tương lai của giáo dục: "Tôi đã làm chuyển đổi số nhiều năm nay, đến nay tôi mới hiểu: chuyển đổi số là cá thể hóa".
Ông cũng khuyên nhà sáng lập SSSmarket "không nên đi một mình" vì một cây làm chẳng nên non. Thay vào đó, những nhà sáng lập startup nên tìm kiếm những người đồng hành để bù đắp cho những khiếm khuyết, những điểm còn thiếu và yếu của mình.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh điều cần thiết là không bỏ cuộc, mất niềm tin, ngã mà không biết đứng dậy."Tôi không đứng dậy thì biết làm gì", ông Bình dẫn lời Jack Ma, đưa ra lời kêu gọi cùng nhau hợp tác, đoàn két phát triển. Ngoài ra, chủ tịch FPT khuyên các startup phải có tinh thần năng động bởi thứ nhà đầu tư mong muốn là kết quả tăng trưởng kỷ lục, không thể cứ từ từ, chậm chậm.
Startup Việt 2022 là sự kiện thường niên do VnExpress tổ chức nhằm tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam. Năm nay, chương trình có chủ đề "Kỷ nguyên sáng tạo - The New Era of Innovation" và thu hút hơn 300 hồ sơ tham dự. Tổng giải thưởng của cuộc thi là gần hai tỷ đồng, sẽ được trao cho các đội trong Top 20. Trong đó, đội quán quân nhận giải gồm 50 triệu đồng tiền mặt và gói truyền thông trị giá 200 triệu đồng.
Ban giám khảo chương trình gồm ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á, bà Lê Diệp Kiều Trang - Founder Alabaster, ông Bùi Thành Đô - Founder Partner và CEO của ThinkZone Ventures, ông Ngô Mạnh Cường - Tổng giám đốc FPT Online.