Nghe tin thịt cá nhiễm độc, chị Nguyễn Thúy Hà, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội lo lắng cho bữa cơm của gia đình. Chưa biết thực hư chất lượng thực phẩm ở chợ gần nhà ra sao nhưng để đảm bảo an toàn, chị Hà không mua thức ăn tươi sống ở đó nữa. Sau mỗi giờ làm, chị ghé qua siêu thị để mua đồ. Mỗi lần cô em chồng từ quê ra Hà Nội, chị cũng nhờ mua giúp thịt, cá, trứng, thậm chí rau xanh ăn trong cả một tuần.
Tương tự, để ý thấy thông tin một loại nước giải khát hay loại mỳ ăn liền chứa phẩm màu độc hại, từ năm ngoái, chị Linh, nhân viên của công ty truyền thông trên phố Trường Chinh quyết định "tẩy chay". Theo đó, dù cậu con trai của chị rất khoái khẩu những món này, chị cũng kiên quyết tập dần, thay đổi thói quen cho con để "cẩn tắc vô áy náy", chị Linh nói.
Không chỉ người tiêu dùng, tiểu thương cũng rất sợ thực phẩm bẩn. Ảnh: Xuân Ngọc |
Thói quen tiêu dùng của nhiều bà nội trợ thay đổi như chị Thúy Hà, chị Linh khiến không ít tiểu thương ế khách, buôn bán khó khăn. Chủ hiệu tạp hóa trên phố Tôn Thất Tùng, cô Nguyễn Thị Hoàn cho biết, cô cũng thường xuyên phải để ý những thông tin sản phẩm bị nghi nhiễm chất cấm, không đảm bảo chất lượng để dừng nhập hàng ngay.
“Dừng nhập hàng, lo giải quyết số hàng tồn trước đã, nếu không may không ai mua, để lâu, quá hạn sử dụng vẫn chưa bán hết thì phải hụt vào vốn", cô Hoàn nói. Tuy nhiên, do bán đại lý, còn có nhiều mặt hàng khác nhau để bù đắp nên những người kinh doanh như cô Hoàn chỉ bị ảnh hưởng một phần.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ tin thực phẩm bẩn là những tiểu thương bán thịt, cá tại chợ. Mới đây, tin cá nhiễm chất cấm Trifluralin từ trong TP HCM đã khiến cô Nga, kinh doanh các loại cá, hải sản ở chợ Dịch Vọng Hậu, Hà Nội ế ẩm. Cô kể, trước đây, mỗi ngày có thể bán đến 20-30 cân cá, nhưng nay số này chỉ còn một nửa hoặc nhỉnh hơn đôi chút. Nhiều khách quen của cô đi qua cũng chỉ lắc đầu vì sợ... chất độc.
"Tôi bán ở đây bao năm, khách ăn đã bao giờ gặp vấn đề gì đâu, vậy mà chỉ một thông tin từ tận trong miền Nam đã khiến người mua bỏ đi hết", cô Nga nói. Trong khi đó, giá cả, tiền điện nước cùng chi phí học hành của 2 cô con gái đều tăng đắt đỏ thì khiến cô Nga chưa biết phải xoay sở ra sao.
Không còn nằm trong tâm điểm của tin thực phẩm nhiễm chất cấm như cách đây một tháng nhưng việc kinh doanh thịt lợn của chị Phương, cũng buôn bán ở chợ Dịch Vọng Hậu cũng không sáng sủa hơn. Chị Phương cho biết, lượng khách giảm 50% nay mới lấy lại được khoảng 20% sau khi có công bố tỷ lệ thịt lợn nhiễm chất siêu tạo nạc là không lớn.
Nhưng tỳ vết đó khiến chị gặp không ít chuyện dở khóc dở cười. Chị kể, nghe hướng dẫn trên tivi là: với một miếng thịt lợn có độ dày bằng khoảng 3 ngón tay, nếu đứng được, không chảy nước, bết dính thì đó là thịt lợn sạch, an toàn cho người sử dụng, khách hàng của chị cũng yêu cầu tương tự. Nhưng do nghe nhầm hoặc nhớ nhầm mà khách của chị Phương yêu cầu cắt miếng thịt dày 3 mm để kiểm chứng. "Dù giải thích cỡ nào và khẳng định nếu chỉ dày 3 mm thì không miếng thịt nào có thể đứng được, chị khách hàng đó cũng không tin rồi bỏ đi", chị Phương kể.
Cũng chịu cảnh ế ẩm, bác An với hơn 10 năm buôn bán ở chợ Hàng Bè, Hà Nội mong rằng các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt người chăn nuôi, cơ sở sản xuất để không xảy ra tình trạng thực phẩm kém chất lượng. Còn khi không may xuất hiện thực phẩm bẩn trên thị trường thì cả người kinh doanh, người tiêu dùng đều cần nhận được sớm những thông tin cụ thể về loại hàng hóa đó xuất xứ ở đâu, bán khu vực nào cùng dấu hiệu nhận biết rõ ràng. "Nếu để người tiêu dùng bán tín bán nghi, vơ đũa cả nắm thì khách chưa gặp vấn đề gì, tiểu thương đã sập tiệm”, bác nói.
Theo bác, hiện nay, người tiêu dùng rất quan tâm, lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Giá tuy đắt một chút nhưng đảm bảo hàng sạch, tươi, ngon thì vẫn không thiếu người mua. Nhưng chỉ cần có nghi vấn nhỏ về chất lượng, khách sẽ "tẩy chay" ngay. Vấn đề này đã từng xảy ra với rất nhiều mặt hàng như bánh phở, đậu phụ, thịt lợn, cá, bánh giò... và đều khiến người kinh doanh điêu đứng trong một khoảng thời gian không ngắn.
Xuân Ngọc