Bên ngoài phòng đấu thầu vàng sáng nay, mỗi đơn vị tham gia chỉ được cử một đại diện vào trong để đấu giá. Ảnh: Thanh Bình |
Trong tổng số 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký, chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu sáng nay. 15 trong số này đã bỏ phiếu trắng. ACB và Phú Quý là 2 đơn vị duy nhất đăng ký mua và đều trúng thầu tại giá sàn, mỗi đơn vị 1.000 lượng.
Phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra từ 8h30 sáng nay với một số tình tiết nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp cũng như ngân hàng tham gia. Đây là phiên đấu theo giá, những không có giá trần như Ngân hàng Nhà nước định liệu trước đó, mà chỉ đưa ra giá sàn. Và đây được ngầm hiểu là giá khởi điểm để các bên đưa ra mức đấu của mình. Và giá sàn này cũng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của doanh nghiệp.
Trao đổi với VnExpress bên lề phiên đấu thầu, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Phạm Bảo Lâm đánh giá phiên đấu thầu sáng nay thành công khi có tới 21 đơn vị đăng ký tham gia, quy trình vận hành suôn sẻ. Không bình luận về mức giá khởi điểm mà doanh nghiệp chê là cao, ông Lâm cho biết Sở Giao dịch chỉ là đơn vị tổ chức buổi đấu thầu, còn giá do các đơn vị chức năng khác của Ngân hàng Nhà nước ấn định. "Trong chiều nay Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả phiên đấu thầu", ông Lâm nói. Ông cho biết thêm, dự kiến đầu tháng tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu thứ hai. |
Giá sàn 43,81 triệu đồng đưa ra sáng nay cao hơn khoảng 400.000 đồng so với giá mở cửa của hầu hết các doanh nghiệp, và cũng cao hơn tham chiếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Chiều qua, cơ quan này công bố chào bán 26.000 lượng vàng miếng SJC, tương đương gần một tấn, với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 43,6 triệu đồng một lượng.
Thị trường vàng trong nước đã phản ứng rất nhanh với những thông tin đầu tiên lọt ra từ phiên đấu thầu. Giá niêm yết tại các doanh nghiệp nhanh chóng tăng thêm vài trăm nghìn đồng. Nếu như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn mở cửa với giá 43,35-43,48 triệu đồng một lượng thì tới gần 10h, giá ở đây đã là 43,5-43,7 triệu đồng.
"Với mức giá chào cao thế này, không rõ mục tiêu bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt tới đâu", đại diện một doanh nghiệp tham gia bình luận. Vị này cho biết, sẽ cân nhắc tới khả năng bỏ thầu.
Nhiều doanh nghiệp cho VnExpress biết họ đã bỏ phiếu trắng, trong khi một hai đơn vị đăng ký mua với số lượng rất nhỏ, mà theo cách nói của họ là "chút chút, gọi là có mua trong phiên đầu tiên".
Bên ngoài phòng đấu thầu, những đại diện khác của doanh nghiệp bàn tán về mức giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra, so sánh với giá thực tế ngoài thị trường. Ảnh: Thanh Bình |
Sáng nay, các doanh nghiệp mở cửa thị trường với tâm thế dè dặt, hầu hết đều đưa giá xuống dù thế giới tăng cao. Mở cửa đầu ngày, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC ở mức 43,24-43,36 triệu đồng, giảm mạnh chiều thu gom 340.000 đồng, và 280.000 đồng chiều bán ra so với sáng hôm qua.
Mỗi lượng vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua bán sáng nay cũng giảm mạnh 340.000 đồng và 290.000 đồng chiều mua vào, bán ra khi niêm yết giá quanh 43,25-43,38 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty Đầu tư vàng Phú Quý cho biết so với cuối ngày hôm qua, niêm yết vàng SJC tại đây hạ 50.000-80.000 đồng ở hai chiều mua và bán, xuống còn 43,25-43,37 triệu đồng. Còn so với đầu ngày 27/3, giá sáng nay cũng rẻ hơn tới 270.000-340.000 đồng.
Trên thị trường thế giới, sau thông tin mua vàng của nhiều quốc gia, cộng với nỗi lo bất ổn của Síp khi các ngân hàng hoạt động trở lại ngày hôm nay đã khiến giá kim loại quý tăng lên 7 USD khi đóng cửa ở 1.606 USD một ounce và duy trì quanh ngưỡng đó tới tận sáng nay ở phiên châu Á. Quy đổi với tỷ giá 20.960 đồng, mỗi lượng vàng hiện tương đương với 40,56 triệu đồng (chưa gồm các loại phí).
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng dự báo giá trong nước sẽ dao động trong biên độ hẹp và tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong ngày hôm nay, chờ đợi diễn biến của phiên đấu thầu đầu tiên này.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD sáng nay không có nhiều thay đổi. Giá mua và bán của các ngân hàng vẫn duy trì quanh 20.900-20.970 đồng.
Thanh Bình - Lệ Chi