Trong cuộc sống, mỗi lần bước qua giới hạn của một không gian, chúng ta lại có điều kiện để hiểu thêm về nơi mình từng sống, và hiểu thêm về chính bản thân mình. Đến nay, tôi đã có ba lần bước qua ranh giới không gian để sống và thể nghiệm. Lần chuyển đổi thứ nhất là chuyển từ nông thôn lên thành thị - từ một vùng quê mà ước mơ sang trọng nhất, mà mỗi cô bé cậu bé chỉ là được lên thủ đô học tập và làm việc. Đến thủ đô, cùng với những cảm nhận thực tế về cuộc sống Hà thành là những suy nghĩ lắng sâu về vùng quê lam lũ. Lần chuyển đổi không gian thứ 2 là chuyển từ Hà Nội sang Bắc Kinh - Trung Quốc. Bốn năm sống và học tập tại Bắc Kinh cũng đủ để tôi hiểu ra vì sao một đất nước cách đây không xa cũng từng đói nghèo, lại có những bước đột phá nhanh đến như vậy. Lần chuyển đổi không gian thứ ba là từ Bắc Kinh sang Seoul - Hàn Quốc. Mỗi lần chuyển đổi không gian đều là kết quả của sự cố gắng không mệt mỏi, nhưng riêng với Hàn Quốc, bên cạnh sự cố gắng, tôi luôn cảm thấy dường như có một cơ duyên nào đó.
Vừa bảo vệ luận án xong, cũng như bao người khác, tôi cảm thấy mệt mỏi và trống rỗng, không muốn làm bất kỳ một thứ gì ngoài việc gặp gỡ chia tay bạn bè thầy cô và chuẩn bị tâm lý cho ngày trở về. Đúng lúc đó thì một đồng nghiệp gửi cho thông báo hội thảo quốc tế về Lỗ Tấn tổ chức tại Seoul và Chonam. Thông báo này đã thức dậy trong tôi mong muốn đến một đất nước thứ ba trước khi chính thức về nước đối mặt với những lo toan đời thường, dù sao đây cũng là một cơ hội để kết thúc một cách tốt đẹp và lãng mạn những năm tháng du học. Đây còn là điều kiện để hiểu thêm về Hàn Quốc cũng như về Trung Quốc, nơi tôi đã trải qua 4 mùa đông giá lạnh. Để đi được thì tôi phải có bài tham gia hội thảo, mà vừa bảo vệ xong, hạn gửi bài lại chỉ còn có một tuần, tôi không khỏi băn khoăn, ngại ngần. Nhưng ham muốn dịch chuyển không gian lần nữa lớn hơn những ngại ngần đó, tôi ngồi viết bài trong sức ép về thời gian và cảm thấy mệt hơn cả khi viết luận án. Trong chương trình hội thảo có cả phần tham quan tìm hiểu đất nước con người Hàn Quốc, tất cả trong 4 ngày và tôi dự định sẽ lưu lại thêm 2 ngày.
Tôi đến Hàn Quốc mang theo ý niệm đã có từ trước về đất nước này: Hàn Quốc - một trong những con rồng châu Á, Hàn Quốc - xứ sở của kim chi, hoa anh đào, của những bộ phim có khả năng lấy nước mắt khán giả. Đây còn là đất nước của mỹ phẩm, thời trang, của sâm và nấm, của những chàng trai mà mỹ phẩm họ dùng còn nhiều hơn cả mỹ phẩm con gái Việt Nam dùng, của những cô gái có nước da trắng mịn và những cặp chân dài, thon, thẳng. Nhiều đến nỗi cô bạn tôi từng du học ở Bắc Kinh phải thừa nhận "Ngay đến tớ nhìn chân con gái Hàn còn cảm thấy thích nữa là".
Tôi đến Seoul vào một buổi chiều tháng 6/2013. Từ sân bay Incheon về khách sạn gần đại học ngoại ngữ Hàn Quốc - nơi tổ chức hội thảo, tôi giật mình khi thấy đến một số điểm dừng xe bus thì trên xe có thuyết minh tự động bằng tiếng Trung. Sau này, khi đi lại bằng tầu điện ngầm tôi mới biết, trên tàu điện ngầm, ngoài tiếng Hàn, thuyết minh tự động có cả tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung. Ở những nơi công cộng lớn như sân bay, ga tàu, bến xe cũng cùng tồn tại bốn thứ ngôn ngữ chỉ dẫn. Điều rất giản dị này đã nói lên tính mở và thực tế giao lưu rộng rãi trong văn hóa và cuộc sống Hàn Quốc đương đại.
Tôi ngồi trên xe bus nhìn ngắm phố phường xung quanh và thấy thủ đô Hàn Quốc không lớn như trong tưởng tượng của mình, cơ sở hạ tầng không đồ sộ như Bắc Kinh. Người dân cũng tận dụng “mặt tiền” để kinh doanh khiến cho độ thoáng của đường phố bị giới hạn, và các dòng chữ quảng cáo, tên cửa hàng với font chữ lớn dán chen chúc dày đặc nhức mắt. Một nỗi thất vọng không lời nhen nhóm trong tôi. Nhưng những ngày ngắn ngủi sống và tham gia hội thảo, tiếp xúc với con người và quan sát thêm cuộc sống nơi đây, tôi hiểu hơn và trong lòng pha trộn nhiều cảm xúc.
Về kiến trúc, người Hàn không chuộng sự đồ sộ. Nếu như trong kiến trúc, người Trung Quốc thích sự hoành tráng và thích phô ra ở mặt tiền, thì người Hàn lại thích sự nhỏ nhắn, chú ý sự tiện dụng, tiết kiệm. Nhà của người dân thường nhỏ, thấp, bên ngoài và mặt tiền giản dị, nhưng tiện nghi thì được cố gắng trang bị đầy đủ, hiện đại. Có rất nhiều quán nhỏ, xinh, gọn và đặc biệt là sạch sẽ. Ở Bắc Kinh, lưu học sinh chúng tôi cũng thích ăn thịt nướng Hàn Quốc, nhưng chủ yếu là ăn ở những quán sang trọng, hoành tráng. Còn sang Seoul, tôi thấy nhiều quán nhỏ nhỏ, đi trên vỉa hè nhìn cảnh sắc xung quanh thấy vừa xa lạ vừa gần gũi, có một nét gì đó nhang nhác phố phường Hà Nội, đây là cảm giác không có được khi đi trên đường phố Bắc Kinh.
Có một điều rất tế nhị nhưng cũng rất thực tế, đó là nhà vệ sinh ở Hàn rất sạch sẽ, dù đó là nhà vệ sinh ở tàu điện ngầm hay bến xe khách. Điều này khiến tôi nảy ra một suy nghĩ cực đoan: để đo trình độ văn minh của mỗi quốc gia, có khi phải lấy nhà vệ sinh có sạch sẽ hay không làm một trong những thước đo quan trọng. Và những ai đã từng bị đinh tai nhức óc vì tiếng còi xe khi tham gia giao thông ở Việt Nam thì đến nơi đây chắc phải giật mình ngỡ ngàng khi phát hiện ra một sự im lặng trên đường phố nườm nượp ôtô của một nơi nhịp điệu cuộc sống vô cùng gấp gáp. Đó là sự im lặng của còi xe, chỉ trong những tình huống gấp gáp lắm mới nghe thấy tiếng còi.
Tôi may mắn vì không chỉ là một khách du lịch lướt qua những điểm du lịch nổi tiếng như đảo Ngô đồng Odongdo, tòa nhà quốc hội Thanh Ngõa Đài Cheongwadae, trung tâm mua sắm sầm uất Dongdaemun hay bờ sông Hán thơ mộng…, mà có điều kiện làm việc, tiếp xúc giao lưu trực tiếp với người Hàn để hiểu thêm một chút về phong cách làm việc nơi đây. Những ngày hội thảo tuy ngắn ngủi nhưng cũng để lại trong tôi ấn tượng không thể nào quên. Hội thảo tổ chức trong một hội trường rộng, nhưng do cách đó 2 tháng đã tổ chức một lần ở Harvard - Mỹ, nên số người tham dự lần này chỉ có hơn 40. Tôi hỏi một giáo viên Hàn Quốc: “Vì sao không yêu cầu sinh viên, học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh đến dự”. Giáo viên đó cười, nói rằng: “Hội thảo, ai quan tâm thì đến dự, không cần người đến vỗ tay, tạo không khí giả”.
Trước hội thảo, tham luận đã được gửi đến cho người phụ trách phản biện. Hội thảo chia thành từng nhóm, cùng lên “sân khấu” có ba người trình bày, ba người phản biện và một người điều hành nhóm, tạo một không khí trao đổi trang trọng, nghiêm túc. Buổi trưa chỉ nghỉ 1 tiếng, mọi người ăn uống rất giản dị ở ký túc xá để tiết kiệm thời gian, rồi tự dọn bát đĩa của mình. Những điều rất giản dị như vậy khiến tôi không khỏi suy nghĩ.
Sau 6 ngày ở Seoul, tôi quay lại Bắc Kinh trong lòng mang theo những ấn tượng đẹp về Hàn Quốc. Sau những mệt mỏi viết bài để đến Hàn, những gì thu hoạch được trong chuyến đi này khiến tôi vô cùng mãn nguyện. Tôi an lòng với ngày chia tay quãng đời du học, và nghĩ là sẽ rất khó khăn, rất lâu sau mới có dịp bước ra khỏi ranh giới không gian một lần nữa. Sau 4 năm du học ở Bắc Kinh, sau 6 ngày ở Seoul, Chonnam, đêm 16/7, tôi về nước với đồ đạc sách vở lỉnh kỉnh. Về tới Hà Nội, trời đã tối, tôi thuê vội một phòng, nghỉ qua đêm để sáng hôm sau về quê. Khi đi ăn, trời bất ngờ đổ mưa tầm tã, tôi một mình vào quán, chỉ gọi một chai bia Hà Nội và một đĩa rau muống xào tỏi. Hết cơn mưa, trên đường đi bộ trở về nhà nghỉ, tôi bất chợt gặp người bán bánh khúc rong và mua một cái. Tôi vừa đi vừa ăn.
Thế nhưng duyên Hàn với tôi chưa hết. Một thời gian sau, nhà sách Quảng Văn mời tôi dịch cuốn tự truyện của nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, dịch qua bản tiếng Trung vì nhà sách nói rất khó tìm được người dịch tốt từ tiếng Hàn. Cuốn tự truyện có tên tiếng Trung là: “Tuyệt vọng tôi luyện lên tôi”, còn nhà sách yêu cầu đổi thành: “Tôi là Park Geun-hye”. Mặc dù cuốn sách không hề dễ dịch, nhưng tôi nghĩ, hình như mình có duyên với đất Hàn, nên đã nhận lời. Mặc dù biết tự truyện có nhiều yếu tố chủ quan, nhưng trong quá trình dịch, tôi đã hiểu thêm về đất nước, con người, về một giai đoạn lịch sử quan trọng của Hàn Quốc. Đặc biệt, tôi hiểu được vì sao một đất nước đã từng bị coi là nghèo nhất thế giới, phải đưa y tá và công nhân mỏ đến Đức làm thuê để có thể vay tiền từ chính phủ Đức xây dựng một số công trình quan trọng của đất nước… lại có thể nhanh chóng trở thành một trong những con rồng châu Á.
Tháng 3 vừa qua, khi tôi vừa hoàn thành bản dịch nộp cho nhà sách thì bất ngờ nhận được lời mời sang Đại học Ngoại ngữ Busan giảng dạy. Tôi vừa kết thúc 4 năm du học, về nước chưa đầy một năm lại đi, nên đây là sự cố gắng tạo điều kiện của cơ quan hay là “duyên Hàn” của tôi chưa hết?
Tôi hăm hở hào hứng với lần chuyển dịch không gian này, nó vừa như là “đến” vừa như là một cuộc quay trở lại. Tôi sẽ có nhiều thời gian hơn lần trước để có thể tìm hiểu sâu hơn về đất nước và con người nơi đây.
Khi tôi đến, cũng là thời điểm trường đại học Ngoại ngữ Busan chuyển sang cơ sở mới. Trường nằm trên một quả đồi, từ chỗ tôi ở, liên tục leo dốc hết hơn 10 phút mới tới trường, còn nếu đi bộ từ chân dốc - bến tàu điện ngầm Nam San - thì phải mất hơn 20 phút. Trường có tuyến xe bus riêng để đưa sinh viên từ dưới chân dốc lên và cả xe bus đưa sinh viên từ những điểm xa đến. Ngôi trường rất đẹp, hiện đại, mỗi tầng đều có nước cho sinh viên, có bàn ghế ngồi nghỉ ngơi. Lịch học của mỗi phòng đều dán ngay ở cửa để mọi người có thể biết phòng đó tiết nào học môn gì, tiết nào trống để có thể tận dụng, phòng học mở liên tục từ 9h đến 21h. Mỗi giáo viên đều có phòng làm việc riêng, trong phòng làm việc của giáo viên có đầy đủ tiện nghi. Tôi vào phòng làm việc của giáo sư Bae Yang Soo, giáo sư từng làm tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Hà Nội, phòng của ông kín tường là giá sách, chủ yếu là sách tiếng Việt. Tôi tự nhủ, không biết bao giờ sinh viên và giáo viên Việt Nam có được điều kiện học tập và làm việc như thế.
Busan mùa xuân thật đẹp. Tôi từng ở Bắc Kinh 4 năm nên ít nhiều có những cảm nhận về sự chuyển mùa rất rõ rệt ở xứ lạnh, nhưng vẫn bất ngờ trước sự nở bung rợp trời của hoa anh đào Busan sau những ngày lạnh giá quạnh hiu của mùa đông. Ngắm hoa anh đào mùa xuân Hàn Quốc, tôi chợt nhớ đến hoa phượng mùa hạ Việt Nam, và nghĩ: sở dĩ hoa anh đào trở thành ấn tượng sâu đậm trong lòng người chính bởi vì người Hàn đã trồng nó rất tập trung trên những con phố, nơi công viên… Nếu ở ta cũng có chiến lược như thế thì hoa phượng, hoa bằng lăng, hay hoa điệp vàng cũng sẽ lưu lại mãi hình ảnh đẹp trong khách viễn phương. Mùa xuân, ngoài hoa anh đào, hoa hồng leo trên những bức tường, bờ rào cũng là hình ảnh rất độc đáo khiến không biết bao nhiêu người ngoại quốc phải trầm trồ muốn chụp ảnh cùng hoa.
Tôi biết ở xứ lạnh, đi du lịch đẹp nhất là vào mùa xuân tầm cuối tháng 3 và mùa thu vào cuối tháng 10, vì mùa xuân hoa nở ngợp trời, còn mùa thu lá vàng ngợp lối, nhưng do hoàn cảnh riêng nên nghỉ hè, tôi đã quyết định đi đảo Jeju và cố đô Gyeongju. Du lịch tự do đến Jeju nếu có một hành trình hợp lý thì chỉ cần đi xe bus đường dài là có thể đến được những điểm du lịch quan trọng như đá đầu rồng Yongduam, hang núi lửa Manjanggul, nơi đón mặt trời mọc đầu tiên ở Hàn Quốc Ilchulbong…. Jeju, hòn đảo vốn rất nghèo, ít nước, ít đàn ông (vì đàn ông đi biển gặp bão gió chết nhiều), nhiều đàn bà, nhiều gió bão, giờ đây đã trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều khách quốc tế, đặc biệt là người Trung Quốc.
Tôi ngồi nghỉ một lúc ở làng dân tộc Seongeup mà gặp 5-6 xe chở khách du lịch Trung Quốc. Tôi đi tàu thủy từ Jeju về Busan mất 12 tiếng, nhưng có thể được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên mặt biển yên bình, ngồi ăn hải sản bên bờ biển ngắm bến cảng lúc bình minh và những đàn hải âu bay lượn cũng là một thể nghiệm thú vị ở đất này. Còn đến Gyengju tôi tự nhủ với lòng mình là nhất định sẽ trở lại nơi đây vào mùa thu, bởi vì ấn tượng lớn nhất của tôi khi đến vào mùa hạ là một màu xanh bình yên trải dài trong không gian. Nếu mùa thu đến, hàng ngân hạnh chạy dài bên đường sẽ đồng loạt ngả sang màu vàng, đó sẽ là không gian đầy chất thơ và cũng là không gian lý tưởng cho những ai thích chụp ảnh và thích được chụp ảnh.
Kết thúc một mùa hè với chuyến du lịch thú vị, tôi trở về chuẩn bị lên lớp cho kỳ học mới và đợi mùa thu đến. Hàn Quốc mùa thu liệu có đẹp như tôi tưởng tượng không, hay đẹp hơn thế? Tôi không hề mê tín, nhưng theo năm tháng và những trải nghiệm cuộc sống, càng ngày tôi càng thấy, hình như trong đời vẫn luôn có một chữ “duyên”. Hình như tôi thực sự có duyên với xứ xở này hay xứ sở này là xứ sở có nhiều duyên?
Cuộc thi 'Hàn Quốc hành trình kỷ niệm' do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Tổng cục Dua lịch Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, bắt đầu từ ngày 1/7 đến 31/8. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Đỗ Gia