"Tôi khẳng định nếu Trung Quốc độc quyền khai thác dầu, họ sẽ gặp rắc rối. Đó là nơi các vị sẽ thấy Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano mang dao rựa đến chém người Trung Quốc", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trước các thị trưởng trong cuộc họp tại Cebu tối 21/8, theo Inquirer.
Duterte, người từng gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "bạn tốt", nói sẽ không đòi quyền lợi theo phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế nhưng cũng không cho phép Trung Quốc khai thác bất cứ tài nguyên nào trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
"Tôi sẽ không khăng khăng đòi quyền lợi theo phán quyết vì điều đó có thể dẫn đến chiến tranh. Nhưng hãy nhớ rằng một ngày nào đó trong nhiệm kỳ của tôi, tôi sẽ đòi quyền lợi", Duterte nói, nhấn mạnh thêm rằng sẽ không lãng phí thời gian vào những chỉ trích cho rằng ông nhu nhược trước hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy hai tuần Duterte công khai chỉ trích Trung Quốc, động thái nhằm tạo uy tín trước những người kêu gọi ông đấu tranh cho lợi ích của Philippines ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines hôm 14/8 nói Trung Quốc đã "sai lầm" khi đòi chủ quyền không phận trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông và cần xem xét lại những hành động có thể châm ngòi xung đột ở vùng biển này.
Ba ngày sau đó, Duterte tiếp tục chỉ trích Trung Quốc vì xua đuổi máy bay và tàu Philippine hoạt động gần các đảo nhân tạo phi pháp và ông hy vọng Trung Quốc sẽ "kiềm chế" hành vi, ngừng giới hạn việc đi lại của tàu thuyền.
Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario dành lời khen cho Duterte vì cuối cùng đã đấu tranh với Trung Quốc nhưng cho rằng chính quyền nên thực hiện các bước tiếp theo để duy trì luật pháp ở Biển Đông.
Sau khi trở thành tổng thống vào tháng 6/2016, Duterte thực thi chính sách thân Trung Quốc nhằm đổi lại các khoản viện trợ, đầu tư. Duterte nhiều lần bị phe đối lập lên án vì thể hiện lập trường mềm yếu trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng ông bác bỏ cáo buộc, tuyên bố sẽ không chấp nhận nhượng bộ Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền.
Tình hình Biển Đông căng thẳng trong những năm gần đây khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng, cải tạo phi pháp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng. Ngoại trưởng Trung Quốc xác nhận việc quân sự hóa Biển Đông nhưng biện bạch rằng họ làm vậy để đối phó với "một số quốc gia", ám chỉ Mỹ.
Hành động của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Washington nhiều lần điều tàu và máy bay tới gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh để thực hiện quyền tự do hàng hải và đối phó với tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp.
Huyền Lê