Đơn kiện 50 trang do các nhà hoạt động và gia đình 8 người bị giết trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines đệ trình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) hôm nay kêu gọi truy tố Tổng thống Rodrigo Duterte vì "hàng nghìn vụ giết người ngoài vòng pháp luật", theo Reuters.
Theo đơn kiện, những người chống lại chiến dịch chống ma túy của Duterte đều bị "bức hại", trong khi khiếu nại của gia đình các nạn nhân bị giết trong chiến dịch chống ma túy bị "chìm xuồng".
Đây là đơn kiện thứ hai chống lại Duterte tại ICC. Tháng 4/2017, một luật sư Philippines nộp đơn kiện tương tự lên tòa án này, dẫn tới việc ICC bắt đầu kiểm tra sơ bộ đơn kiện từ tháng 2.
Nhóm đệ đơn kiện lần này gồm các nhà hoạt động, linh mục và thành viên của cộng đồng đô thị nghèo khó, những người chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến chống ma túy quy mô lớn ở Philippines. Đơn kiện gồm lời khai từ 6 thân nhân của 8 người bị cảnh sát giết chết.
"Duterte là người chịu trách nhiệm ra lệnh cho cảnh sát thực hiện các vụ giết người hàng loạt", Neri Colmenares, luật sư đại diện cho nhóm nói với phóng viên sau khi xác nhận đơn kiện đã được gửi đến ICC.
Cảnh sát nói rằng hơn 4.400 người chết trong chiến dịch chống ma túy đều là những nghi phạm buôn bán ma túy có hành vi kháng cự khi bị bắt giữ, đồng thời phủ nhận cáo buộc che giấu và hành hình không qua xét xử những người nghiện ma túy.
Sau khi trở thành Tổng thống Philippines vào tháng 6/2016, Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên, chiến dịch này của ông vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận trong nước và quốc tế, khi cho rằng cảnh sát đã lạm dụng quyền lực và thực hiện nhiều vụ giết người không qua xét xử.
Trong bài phát biểu tháng trước, Duterte tuyên bố cuộc chiến chống ma túy vẫn tiếp diễn và không suy yếu so với hai năm đầu.
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Benigno Durana hôm nay khẳng định lệnh duy nhất mà ông Duterte đưa ra cho cảnh sát là "tiến hành cuộc chiến chống ma túy và tội phạm trong giới hạn của luật pháp".
Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, nói rằng đơn kiện mới nhất không có hiệu lực bởi Philippines đã rút khỏi ICC. Tuy nhiên, các luật sư nói rằng Duterte vẫn có thể bị truy tố vì thẩm quyền của ICC sẽ có hiệu lực với Philippines cho đến tháng 3/2019, khi việc rút khỏi ICC có hiệu lực. Văn phòng công tố của ICC chưa đưa ra bình luận.
Duterte hồi tháng ba đơn phương rút Philippines khỏi ICC vì "những vi phạm" của tòa án quốc tế này trong thủ tục tố tụng. Một số nghị sĩ đối lập hôm nay cũng đệ đơn kiện Duterte vì rút khỏi ICC mà không có sự chấp thuận của thượng viện.
ICC là tòa án cuối cùng có thể thực hiện thẩm quyền nếu các quốc gia không thể hoặc không muốn điều tra tội phạm. Theo quy định của ICC, việc một quốc gia rút khỏi tòa án này sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ khi tòa nhận được thông báo.
Huyền Lê