Tại khu vực bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), từ 16h30 nhiều tuyến đường xung quanh như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, cầu Bình Triệu... dòng xe đông đúc, nối đuôi nhau kéo dài. Trên quốc lộ 13 đoạn qua ngã tư Bình Triệu, ôtô, xe máy kín đường, di chuyển chậm chạp. Trong khi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu ngày thường đã ùn ứ ở giờ cao điểm, nay nghiêm trọng hơn do lượng xe tăng cao.
Trong Bến xe Miền Đông, hàng nghìn người tập trung vào bến đi nghỉ Tết. Tại các cổng của bến, ôtô, xe máy chở hành lý, đồ đạc tấp nập ra vào, bảo vệ phải tiên tục điều tiết giữ trật tự. Phía trong, trước các quầy vé đông người mua, trong khi các dãy ghế kín người ngồi chờ lên xe, nhộn nhịp hơn nhiều ngày trước.
Phó giám đốc bến xe Miền Đông Đỗ Phú Đạt nói hôm nay ngày cao điểm đi lại nên lượng khách tăng mạnh, nhưng so với nhiều năm trước vẫn giảm sâu do Covid-19. Hôm qua, khách qua bến xe này đạt hơn 17.000, giảm 46% so với cùng kỳ. Trước đó khi bắt đầu phục vụ Tết từ ngày 14 đến 26/1 (từ 12 đến 24/12 âm lịch), lượng khách qua bến đạt 90.500 lượt, giảm 70% so với năm ngoái.
Tại phà Cát Lái, từ 15h dòng xe tập trung đông ở đầu bến phía huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, chờ qua TP HCM. Đây phần lớn là công nhân, người làm việc ở Đồng Nai qua thành phố để về các tỉnh miền Tây. Đến chiều tối, ôtô, xe máy xếp dài khoảng một km trước bến, khiến các nhân viên phải chia người theo từng đoạn bán vé để giãn dòng xe.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong (đơn vị quản lý phà Cát Lái), cho biết hôm nay là ngày cao điểm nhất người dân qua phà thời gian trước Tết. Tổng lượng khách ước tính khoảng 55.000 lượt. Hiện, ngoài 5 phà chạy thường xuyên, bến Cát Lái tăng cường thêm một phà nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao.
"Khách qua phà tăng khoảng 20% so với ngày thường thời gian qua, nhưng vẫn thấp hơn nhiều dịp Tết các năm trước dịch", ông Tuấn nói và cho biết với lưu lượng người như trên, bến hoàn toàn đáp ứng và không căng thẳng như dịp cao điểm đi lại nhiều năm qua.
Quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh - cửa ngõ phía Tây thành phố, chiều nay lượng xe cũng tăng cao, gây ùn tắc ở khu vực cầu Bình Điền. Khoảng 18h30, dòng xe phải "chôn chân" trên mặt đường đoạn qua khu vực này. Một số người đi xe máy phải tấp vào lề nghỉ ngơi, chờ giảm ùn tắc.
Dừng uống nước trên vỉa hè bên cạnh hành lý chất đầy xe, anh Hải, 34 tuổi, nói sau khi tan ca chạy từ Bình Dương qua TP HCM để về quê Sóc Trăng. "Bình thường về quê mất 8 tiếng nhưng tình hình kẹt xe kiểu này chắc hơn nửa đêm mới tới được nhà", nam công nhân nói.
Tại Hà Nội, lúc 16h30, khu vực đại lộ Thăng Long hướng lên đường vành đai 3 trên cao tắc cứng. Gần đó, đường Khuất Duy Tiến phía hướng về Linh Đàm và Giải Phóng cũng đông nghẹt người và phương tiện. Phía đường trên cao, các xe di chuyển chậm.
Xách theo balo đứng bên lề đường, anh Thái, quê Nam Định, cho hay đã đứng đợi gần một tiếng nhưng chưa thể bắt xe về quê. "Đường tắc khiến chiếc xe tôi đặt không tới đúng giờ", anh Nam nói.
Lực lượng CSGT của đội 6 và 7 được bố trí đứng dọc trục đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển để điều tiết, phân luồng phương tiện.
Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng CSGT số 6, cho biết từ 9h, đội đã cử 100% lực lượng đứng chốt trực tại các khu vực có lượng phương tiện tăng cao như cổng bến xe Mỹ Đình, đường Trần Duy Hưng, đường Phạm Hùng... cũng như các trục giao thông hướng về phía Nam của thành phố. "Chúng tôi dự kiến lượng xe sẽ đông cho tới khoảng 21h", Đại úy Chinh nói.
Trái ngược với cảnh đông đúc ở đường Nguyễn Xiển, lúc 17h30, tại cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, khu vực ngã ba Giải Phóng đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và hướng quốc lộ 1A cũ, lượng xe đông, song không xảy ra tình trạng ùn ứ. Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng CSGT số 14, cho hay lượng phương tiện "không còn đông như mọi năm" nên quá trình điều tiết giao thông thuận lợi.
Khu vực dẫn vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, xe di chuyển chậm nhưng không xảy ra ùn tắc. Cùng thời điểm, tại bến xe Nước Ngầm, lượng khách đông hơn ngày thường chút ít. Một xe 45 chỗ chuyên tuyến Hà Nội - Nghệ An lúc rời bến chỉ khoảng 10 người bên trong. Nhiều chủ xe cho biết xe khách liên tỉnh thường rời bến lúc 21h nên lượng khách sẽ đông hơn vào buổi tối.
Bến xe Giáp Bát cũng khá vắng vẻ, nhiều xe rời bến sớm dù ít khách để tránh cảnh tắc đường. Năm nay nhiều người dân thay đổi thói quen di chuyển về quê. Thay vì đi xe khách, họ chọn cách thuê xe riêng hoặc đi xe ghép nhằm tránh lây nhiễm Covid-19.
Nhóm phóng viên