Trên con đường dài 4 km tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, một chiếc xe buýt màu xanh bắt đầu di chuyển, vượt chướng ngại vật, tăng và giảm tốc rồi dừng lại.
Khác với những xe đang lưu thông trên đường, xe buýt không có người lái. Thay vào đó, dựa trên hệ thống camera, radar và cảm biến gắn trên nóc, xe liên tục nhận thông tin từ môi trường xung quanh, như đèn giao thông, biển báo đặt trên đường phố... Nói cách khác, xe đang "trò chuyện" với con đường trong quá trình thực hiện lộ trình của mình.
Con đường là địa điểm được hãng viễn thông Huawei và các đối tác thử nghiệm. Đây cũng là một phần của dự án mang tầm quốc gia về giao thông thông minh của Trung Quốc, trong đó sử dụng các phương tiện thông minh kết nối với nhau trên đường. Tham vọng của nước này là muốn giao thông thông suốt và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo các công ty trong nước như Huawei được hưởng lợi từ việc cung cấp cơ sở hạ tầng trọng yếu.
"Xe tự hành là xu hướng tất yếu", Jiang Wangcheng, Chủ tịch mảng kinh doanh công nghệ thông tin và truyền thông của Huawei, cho biết. "Tuy nhiên, bất kỳ phương tiện nào cũng khó có thể vận hành an toàn trên đường một cách độc lập. Giải pháp duy nhất là buộc chúng lấy thêm thông tin từ chính những con đường đó".
Được gọi với tên mã là X-Bus, xe tự lái của Huawei liên kết với mạng lưới điều khiển giao thông để vận hành. Việc giao tiếp diễn ra hai chiều, trong đó xe buýt liên tục gửi thông tin đến hệ thống trung tâm và có thể đưa ra các yêu cầu như bật/tắt đèn giao thông để giúp xe đi đúng lịch trình một cách thuận lợi.
Hiện, X-Bus có thể tự vận hành ổn định trên con đường thử nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có một tài xế ngồi sau vô-lăng và sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết.
Huawei, có trụ sở tại Thâm Quyến, gần đây bắt đầu nhắm đến các lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng như vận tải. Tuy nhiên, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi nói công ty không có ý định sản xuất ôtô thông minh của riêng mình. Chiến lược của công ty là cung cấp các thiết bị và phần mềm cần thiết để phục vụ cho cuộc cách mạng xe thông minh sắp diễn ra.
Theo giới quan sát, phải vài năm nữa, một hệ thống thông minh có thể sử dụng rộng rãi trên xe tự lái mới được vận hành trơn tru và triển khai đại trà. Tuy nhiên, đã có nhiều công ty đạt được sự tiến bộ nhất định. Chẳng hạn, Zoox của Amazon đã vận hành thành công ôtô tự lái trên đường đông đúc mà không cần tài xế, hay những chiếc xe tự lái của Alphabet đã rong ruổi trên các con đường Mỹ nhiều năm. Apple mới đây cũng được cho là đang phát triển xe tự hành và ra mắt sản phẩm đầu tiên vào 2024.
Tại Trung Quốc, xe tự hành của Baidu đang chạy thử nghiệm ở Bắc Kinh. Một số startup như Horizon Robotics hay Westwell Lab ở Thượng Hải cũng đang thử các công nghệ lái xe tự động với sự trợ giúp của các bộ xử lý và thuật toán AI.
Như Phúc (theo NDTV)