Tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam" ngày 19/11, ông Vũ Hồng Phương, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, khẳng định dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là "siêu dự án" chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam với nguồn vốn đầu tư đặc biệt lớn. Dự án đang trình Quốc hội phê duyệt, dự kiến lập dự án năm 2025 và hoàn thành năm 2035.
Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, tổng nhu cầu vốn cho dự án ước tính 67,34 tỷ USD. Trong đó, phần lớn vốn đầu tư tập trung vào xây lắp hạ tầng, chiếm khoảng 33,5 tỷ USD. Các hạng mục khác như hệ thống điều khiển, cấp điện và phương tiện cũng đóng góp một phần đáng kể vào tổng chi phí dự án.
"Chúng ta xác định phải làm chủ về nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong nước", ông Phương nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, đánh giá đường sắt tốc độ cao là "cuộc cách mạng, thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng". Dự án không quá khó về mặt công nghệ xây dựng hạ tầng nhưng quy mô rất lớn. Hiện nay các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả công trình cầu, hầm, đường.
Tuy nhiên, để xây dựng tuyến đường sắt đạt tốc độ 350 km/h, các nhà thầu Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe và đòi hỏi ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, vượt xa so với các dự án giao thông thông thường.
Ông Hiệp cho rằng Nhà nước cần có những giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho dự án đường sắt cao tốc. Đó là chính sách thu hút lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong ngành giao thông.
Theo ông Hoàng Năng Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), dự án đường sắt cao tốc cần khoảng 13.800 nhân sự vận hành. Để đáp ứng, VNR sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và sẵn sàng vận hành hệ thống.
Ông cho biết VNR đang phối hợp với các trường cao đẳng đường sắt và đối tác nước ngoài xây dựng các chương trình đào tạo lái tàu chất lượng cao. Thời gian đào tạo kéo dài từ 5 đến 8 năm, tùy thuộc vào chương trình và kinh nghiệm của người học. Những lái tàu đã có kinh nghiệm cũng phải trải qua khóa đào tạo bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới.
Ông Đào Ngọc Vinh, Tổng giám đốc TEDI, nhấn mạnh việc xây dựng đường sắt tốc độ cao đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật vô cùng phức tạp và khắt khe hơn nhiều so với đường bộ. Sự khác biệt về tốc độ vận hành dẫn đến những yêu cầu khác biệt về thiết kế hạ tầng, chẳng hạn bán kính cong, độ dốc dọc và hệ thống siêu cao. Điều này đòi hỏi các nhà thiết kế và thi công phải có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế.
"Khi đoàn tàu di chuyển với tốc độ cao trong hầm, áp lực tác động lên kết cấu hầm rất lớn. Điều này đòi hỏi các kỹ sư phải tính toán kỹ lưỡng tương tác động lực giữa tàu và hầm để đảm bảo an toàn và bền vững cho công trình", ông nói, thêm rằng việc thiết kế hệ thống thông gió cũng rất quan trọng để đảm bảo không khí trong hầm được lưu thông, tránh gây hiện tượng bất lợi.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, chỉ ra rằng công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng là những trở ngại lớn khiến tiến độ các dự án giao thông, đặc biệt là đường bộ cao tốc Bắc Nam bị kéo dài. Để khắc phục, chính quyền cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo nguồn vật liệu luôn sẵn sàng ngay từ giai đoạn đầu của dự án. Như vậy thời gian thi công có thể được rút ngắn đáng kể.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, kiến nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho dự án đường sắt cao tốc. Việc ban hành các tiêu chuẩn ngành sớm và minh bạch sẽ giúp quá trình lựa chọn công nghệ, thiết kế, thi công và nghiệm thu diễn ra thuận lợi hơn.
"Định mức xây dựng cơ bản đường bộ tưởng như rất đơn giản về khối đá dăm, đào đất..., song các cơ quan rất loay hoay, sau hàng năm mới ban hành được", ông nói.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Đoàn Loan