Theo VNR, chi phí khắc phục sự cố là 3,6 tỷ đồng, thiệt hại trực tiếp 18,7 tỷ đồng và giảm doanh thu 28 tỷ đồng.
Hầm Bãi Gió sạt lở khiến tuyến đường sắt Bắc Nam bị gián đoạn, phải phong tỏa khu gian giữa ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và ga Đại Lãnh (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Trong 10 ngày, ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tải 30.100 hành khách bằng ôtô từ ga Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và ngược lại, phục vụ ăn uống miễn phí cho khách bị ảnh hưởng. Khoảng 11.700 vé bị khách trả lại do sự cố sạt lở.
Ngoài ra, nhiều chuyến tàu hàng phải ngừng chạy, hàng trăm nghìn tấn hàng phải chuyển tải bằng đường bộ. Nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi vận chuyển tàu bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố bị giảm, chưa hồi phục như trước.
Từ năm 2019, các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM được triển khai. Theo VNR, trong quá trình thi công, hoạt động vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn do năng lực chạy tàu giảm, thời gian bị kéo dài. Số tiền giảm doanh thu và các chi phí liên quan là hơn 200 tỷ đồng mỗi năm.
Do đó, VNR kiến nghị Chính phủ xem xét giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho đến khi hoàn thành toàn bộ dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.
Hầm đường sắt Bãi Gió thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, được Pháp xây năm 1930, hoạt động năm 1936. Công trình đi qua đèo Cả, nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Ngày 12/4, khối đất đá khoảng 180 m3 sạt lở từ trần hầm Bãi Gió xuống đường ray khiến đường sắt Bắc Nam phải tạm dừng khai thác để sửa chữa. Hầm được thông tàu vào tối 21/4.