Những cơn mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng bão Côn Sơn cuối tuần qua khiến các tuyến đường lên Phước Sơn xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với người dân địa phương. Đây là khu vực có khoảng 5.000 cư dân sinh sống.
Theo ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch xã Phước Thành (huyện Phước Sơn), tuyến đường ĐH1 điểm đầu từ xã Phước Đức qua xã Phước Chánh, Phước Kim đến Phước Thành dài 40 km, từng tan hoang trong cơn bão bão Molave gần một năm trước (cuối tháng 10/2020).
Sau bão, trên cung đường này xuất hiện gần 30 điểm đất đá tràn xuống, taly hư hỏng; bốn cống và năm cầu bị cuốn trôi xuống vực sâu. Mặt đường nhựa toàn tuyến bong tróc, xói lở hơn 90%.
Tương tự, đường ĐH2 nối với ĐH1 dài hơn 10 km từ xã Phước Thành đi Phước Lộc sạt lở hơn 30 điểm, bảy cầu cống bị cuốn trôi hoàn toàn; rãnh dọc hư hỏng hơn 5 km... Đường ĐH5 nối đường ĐH2 từ xã Phước Lộc đến Phước Công dài 20 km cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Đầu tháng 12/2020, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ban hành tình huống khẩn cấp sạt lở tuyến đường ĐH1, Đ2 do ảnh hưởng thiên tai. Lãnh đạo tỉnh giao huyện Phước Sơn và cơ quan chức năng lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án khẩn cấp để sửa chữa hai tuyến đường này.
Tuy nhiên, đến nay gần năm một trôi qua các dự án vẫn "nằm trên giấy". Tuyến đường chỉ được khắc phục tạm thời, người dân đi lại rất khó khăn trong bối cảnh mùa mưa bão sắp đến.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch huyện Phước Sơn, cho hay ba tuyến đường huyết mạch qua các xã vùng cao Phước Kim, Phước Công, Phước Thành và Phước Lộc đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổng kinh phí xây dựng gần 500 tỷ đồng.
Lý giải về việc chậm triển khai sửa chữa các tuyến đường này, lãnh đạo huyện Phước Sơn nói một dự án đầu tư công hoàn thiện thủ tục mất hàng trăm ngày, vì vậy dự kiến cuối năm 2021 mới có thể lựa chọn được đơn vị thi công.
Theo ông Trung, vì chưa thể sửa chữa được nên trong năm nay ba tuyến đường trên đứng trước nguy cơ xảy ra sạt lở, tắc đường khi mùa mưa bão đến. "UBND huyện đã giao các ngành khảo sát những điểm nguy cơ sạt lở, cắm biển báo và bố trí kinh phí dự phòng với phương châm hư tới đâu sửa chữa tới đó để người dân đi lại sau các trận mưa lớn", ông nói.
Trong khi các dự án chậm triển khai, hàng ngày người dân địa phương vẫn phải đi lại trên tuyến đường đã xuống cấp. Anh Hồ Văn Đông (thôn 1, xã Phước Thành) phản ánh đi đường ĐH1 từ thị trấn Khâm Đức về nhà phải vượt qua những đoạn đường đá lổm chổm, ổ gà, ổ voi dày đặc. Mỗi khi mưa xuống, đường biến thành sông ngập nửa bánh xe.
Hiện đường ĐH1 qua dốc Đồi Chim dài hơn 2 km, đoạn xã Phước Kim giáp ranh xã Phước Thành, bị người dân địa phương gọi là "đường tử thần", bởi một bên vách núi cao gần 100 m dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm. Người dân khi lái xe qua đây ngoài quan sát đường đi còn phải ngước mặt lên vách núi, đề phòng đá, đất, cây đổ xuống dưới.
"Chính quyền và người dân mong nhà nước sớm đầu tư khôi phục tuyến đường để việc giao thương, cấp cứu người bệnh khi ốm đau, học sinh đến trường... được thuận lợi hơn", ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch xã Phước Thành, nói.