Thông tin được đại diện liên danh tư vấn trong buổi tọa đàm về các dự án kết nối TP HCM và miền Tây, tại Cần Thơ, ngày 21/7.
Đường sắt cao tốc có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng). Công trình chạy qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, với 13 ga.
Tuyến được xây theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 200 km/h, tàu hàng 120 km/h; dự kiến chạy từ TP HCM đến Cần Thơ mất 45 phút.
Hiện dự án đã xong báo cáo cuối kỳ, Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến các địa phương, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trong năm nay. Sau đó dự án sẽ được trình cấp thẩm quyền quyết định trong năm 2024, hoàn thiện trình Thủ tướng, Quốc hội năm 2025; xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, khởi công trước năm 2030; hoàn thành trước năm 2035.
Theo chủ đầu tư, kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc xây tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao. Việc này giúp tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP HCM – Cần Thơ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết sau khi hoàn thành phát triển hệ thống cao tốc, việc phát triển hệ thống đường sắt, thủy hết sức quan trọng. "Sản lượng hàng hóa đường sắt vận chuyển là rất lớn, nếu sớm đầu tư khai thác, đây sẽ là thuận lợi lớn cho vùng", ông Dũng nói.
Ông Đinh Văn To, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang, đề xuất sau khi đường sắt TP HCM - Cần Thơ hoàn thành, cần xem xét thực hiện đường sắt đoạn từ Cần Thơ đến An Giang phục vụ cho vận chuyển khách, hàng hóa giao thương với Campuchia.
An Bình