Trong sự kiện khánh thành đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP HCM) ngày 9/1, khu vực trưng bày sách cũ là một trong những gian hàng thu hút đông đảo khách tham quan. Gian có tên "chợ phiên sách cũ" với số lượng hàng nghìn cuốn sách cổ hiếm, trở thành điểm hẹn mới cho dân sưu tầm ấn phẩm xưa.
Trước đây, ''chợ phiên sách cũ'' được tổ chức vào Ngày sách Việt Nam lần thứ hai tháng 4/2015 cũng tại địa điểm trên. Tuy nhiên, với quy mô rộng mở của đường sách mới, độc giả ngỡ ngàng khi tham quan những gian hàng bày bán nhiều đầu sách quý.
Chợ phiên được sắp xếp thành ba gian, phân chia theo chủ yếu theo thể loại. Có gian trưng bày những ấn phẩm sản xuất trong thời bao cấp, gồm nhiều bộ sách, tủ sách được khảo cứu, biên tập lần đầu trong thời kỳ này, đa dạng về thể loại như dịch, nghiên cứu, sáng tác... Nhiều loại báo cũ như Lục Tỉnh Tân Văn, Tri Tân... hay các từ điển xưa như Hán Việt Từ điển (1950), Từ điển Việt Nam (1958)... cũng được bày bán cho độc giả muốn nghiên cứu tài liệu xưa. Không ít cuốn sách trong chợ phiên có thời gian ấn hành trước năm 1945, được đánh giá là khá quý hiếm và vốn chỉ được bày bán, trao đổi trực tiếp giữa các nhà sưu tầm.
Gian hàng sách cũ cũng được phân chia thành từng mức giá để đáp ứng túi tiền của từng độc giả, từ đồng giá 19.000 đồng, 38.000 đồng... cho đến hàng trăm nghìn. Theo nhiều người sưu tầm sách cũ lâu năm, giá những cuốn sách này chủ yếu được định giá theo số lượng còn hiện hành trên thị trường. Nhiều ấn phẩm được in vào thời bao cấp, cho đến nay vẫn còn tái bản thì được bán với mức giá ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên.
Trên tay cầm cuốn Việt văn toàn thư (NXB Á Châu, 1961), ông Nguyễn Bình (nhà ở phường 2, quận 5) cho biết đây là lần đầu ông đến một chợ phiên sách cũ và phát hiện nhiều đầu sách mình tìm kiếm đã lâu. Theo ông Bình, sách được người đọc tìm đến vì màu giấy dễ đọc, không làm lóa mắt và đặc biệt là lối viết, dịch khoáng đạt của người xưa - những cây bút kỳ cựu chứ không chỉ là "thợ dịch", "thợ viết".
Cũng theo độc giả 52 tuổi này, sách cổ có sức thu hút nhất ở giá trị thời gian. Đó có thể là dòng đề tặng của chủ cuốn sách trước đó, hoặc bức thư, tấm ảnh được kẹp trong trang sách, hay những dòng đánh giá viết bên lề sách. Người đọc sẽ hồi tưởng lại cuộc sống xa xưa và như sống lần nữa trong bối cảnh và thời điểm sách được xuất bản.
Tham quan đường sách chiều 9/1, Ngọc Trâm, ĐH KHXH&NV TP HCM bất ngờ khi tìm thấy những cuốn sách có giá rất rẻ, hợp với túi tiền ở khu sách cũ. Theo nữ sinh, không ít cuốn được bày bán với giá chỉ khoảng 1/4, 1/5 so với sách tái bản mới nhất trên thị trường. "Tôi tìm được cuốn Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945, xuất bản năm 1994 với giá chỉ hơn 30 nghìn đồng, rẻ 1/3 so với những cuốn in lại", Trâm chia sẻ.
Có mặt tại chợ phiên, nhà thơ Lan Hinh, con gái dịch giả Á Nam Trần Tuấn Khải và là nhà nghiên cứu sưu tầm sách cũ, cho biết bà xúc động khi thấy văn hóa đọc sách cũ được khơi dậy. Theo nhà thơ, cộng đồng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ đang mắc hội chứng lười đọc sách, nhất là sách xưa, một phần vì chưa tìm ra phương cách nào để thu hút họ tìm đến sách cũ và hiện tượng sách ngoại văn ngày càng tràn ngập. Bà Lan Hinh là một trong những người đóng góp sách trong chợ phiên này.
"Tôi mong các nhà nghiên cứu chuyên môn, sưu tầm sách hãy tạo cơ hội trong những sự kiện thế này cho người dân được tiếp cận sách của thế hệ trước. Hy vọng lớp sau vẫn được tiếp tục nghe những câu chuyện về Tấm Cám, Phạm Công - Cúc Hoa, trao đổi thêm về văn hóa xưa và nay...", nhà thơ 79 tuổi gửi gắm.
Mai Nhật