Theo các chủ hàng, phần lớn số đường đó được nhập lậu từ Thái Lan qua biên giới Tây Nam, tập trung tại các cửa khẩu thuộc An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh rồi tỏa đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Ước tính, tại An Giang, thời điểm này mỗi ngày có khoảng 300 tấn đường được nhập bất hợp pháp qua các cửa khẩu. Nếu cứ vẫn giữ tốc độ đó, chỉ trong vòng hai tháng, lượng đường nhập lậu của An Giang có thể gần bằng sản lượng 1 năm của một nhà máy sản xuất đường cỡ lớn ở miền Đông Nam Bộ (khoảng 20.000 tấn) và bằng khoảng 1/3 sản lượng của nhà máy đường Bourbon lớn nhất tỉnh Tây Ninh.
Cảnh hàng đoàn người già trẻ, lớn bé, thi nhau cõng những bao đường lậu đã chia nhỏ chạy phăm phăm trên đường ruộng ở các cửa khẩu đã trở nên quá quen thuộc. Đội chống buôn lậu cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán khi thấy hàng chục chiếc xe máy "xoáy nòng" chở hàng lậu chạy bạt mạng. Đề cập tới vấn đề chống buôn lậu để cứu ngành đường, rất nhiều quan chức Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại chỉ biết thở dài: "Gian nan lắm". Theo thống kê của Cục, đường nhập lậu bắt được trong cả năm 2001 (khoảng 163 tấn) chưa bằng một nửa lượng nhập lậu qua cửa khẩu An Giang trong một ngày.
Trên thực tế, hiện nay ngành đường đang được Nhà nước bảo hộ khá toàn diện, là một trong bốn mặt hàng khi nhập khẩu phải có hạn ngạch do Nhà nước cấp, hơn nữa đường nhập vào Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 50% (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng). Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi đến thế nhưng ngành đường vẫn chưa tìm ra biện pháp tăng năng lực cạnh tranh cho chính mình. Người tiêu dùng Việt Nam luôn phải ăn đường giá cao, cao hơn nhiều so với các nước. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đường ngoại ào ào đổ bộ vào Việt Nam qua con đường bất hợp pháp.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng, Nông Nghiệp Việt Nam)