Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đi qua vịnh Á Long thuộc Tam Á, tỉnh Hải Nam. Ảnh: AP |
Theo Bloomberg, qua hình ảnh vệ tinh khu vực, một nhà quan sát quân sự cho biết nhờ đường hầm này, các tàu ngầm có thể ẩn mình trước máy bay trinh sát của hải quân Mỹ để ra vào các vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Theo Felix Chang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Hải Nam chính là trọng tâm của chiến lược tàu ngầm Trung Quốc. Thành phố Tam Á thuộc đảo này là căn cứ tàu ngầm kể từ Thế chiến II.
Khi Tam Á ngày càng phát triển, hải quân Trung Quốc đã triển khai một số công trình mới. Bắc Kinh cho xây dựng một căn cứ ở phía tây nam dành cho tàu ngầm thông thường. Hai địa điểm mới ở vịnh Á Long, về phía tây của Tam Á, một dành cho căn cứ tàu nổi có hai cầu tàu dài đáp ứng được nhu cầu của tàu sân bay; và một căn cứ dường như là dành cho các tùa ngầm hạt nhân. Nơi này chỉ có một con đường độc đạo dẫn tới. Theo ông Chang, quy hoạch này thể hiện mức bảo mật an ninh cao của Trung Quốc.
Ông Chang cho biết có thể thấy rõ 4 cầu tàu nhô ra từ bờ biển, đủ để làm nơi neo đậu cho 8 tàu ngầm. Phía nam của những cây cầu này là đường hầm dưới biển, rộng khoảng 16 m, dẫn đến một hang được đào khoét từ dưới một ngọn đồi.
"Tôi không nghĩ đường hầm tàu ngầm ở vịnh Á Long rộng rãi như hang ổ của một nhân vật phản diện trong những bộ phim về điệp viên 007", ông nói. "Nó có thể tương đối chật hẹp. Việc đào đá và xây dựng cấu trúc hỗ trợ rất tốn kém trong đời thực", ông nói.
Hạm đội Trung Quốc
Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 4, hải quân Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, trong đó 51 tàu chạy bằng diesel-điện thông thường và 5 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Lầu Năm Góc cho hay Trung Quốc có ba tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, và Bắc Kinh có thể tăng cường thêm 5 tàu nữa. Báo cáo cho biết các tàu ngầm năm nay sẽ mang tên lửa đạn đạo JL-2, có tầm bắn ước tính 7.400 km.
Dean Cheng, một nhà nghiên cứu về các vấn đề chính trị và an ninh Trung Quốc tại The Heritage Foundation của Mỹ, tính toán rằng với phạm vi tấn công này, nếu được bắn từ tây Thái Bình Dương, tên lửa của Trung Quốc có thể đánh trúng các mục tiêu ở Hawaii, và nếu phóng từ giữa Thái Bình Dương, California có thể sẽ bị oanh tạc.
Để thăm dò xem Trung Quốc đã chuẩn bị lực lượng đến đâu, máy bay Mỹ đã tiến hành do thám gần bờ biển Trung Quốc, dẫn đến cuộc chạm trán ngày 19/8. Lầu Năm Góc mô tả sự kiện là "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" khi một máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát máy bay P-8 Poseidon của Mỹ, có lúc chỉ cách nhau có 6 m, trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam.
"Tiến bộ của Trung Quốc trong tàu ngầm là đáng kể", Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, thông báo trước Thượng viện Mỹ hồi tháng ba. Theo Defense News, ông nói với Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte rằng việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng, có nghĩa là hạm đội tàu ngầm tấn công của Mỹ sẽ giảm từ 55 xuống còn 42 chiếc vào năm 2029, là một bất lợi.
Nguy cơ xung đột
Các tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình chống tàu và ngư lôi sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện một mục tiêu khác, đó là chiến đấu và giành thắng lợi "chiến tranh khu vực" trong thời đại thông tin. Theo kịch bản, Bắc Kinh sẽ tung ra tàu ngầm, lực lượng không quân, tên lửa mặt biển và dưới mặt biển, được quản lý bằng một hệ thống chỉ huy tiên tiến, kết hợp tất cả mọi thứ từ máy tính cho đến tình báo.
Ông Tập cũng tiếp tục kêu gọi quân đội củng cố lực lượng. Ngày 22/9, ông yêu cầu lực lượng vũ trang cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và nâng cao năng lực để giành thắng lợi trong chiến tranh khu vực.
Tại Biển Đông, căng thẳng leo thang khi Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu vào vùng biển của Việt Nam và một lần nữa sau khi Bắc Kinh hoàn thành đường băng quân sự tại quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, trong khi Trung Quốc đang chiếm giữ nơi này. Trung Quốc còn thay đổi hiện trạng, biến các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thành các đảo nhỏ.
"Trung Quốc đã không còn có thể biện hộ hành vi của mình là hành động đáp trả động thái của các nước khác", Roggeveen nói. "Giàn khoan dầu không nhằm đáp trả, đó là đòn phủ đầu của Bắc Kinh".
Trên Ấn Độ dương, những lượt tàu ngầm Trung Quốc chui qua eo biển Malacca để đi về phía tây đang khiến Ấn Độ lo ngại. New Delhi cho ra mắt con tàu ngầm mới do nước này tự đóng hồi tháng 8, trong khi Thủ tướng Narendra Modi quyết tâm tăng năng lực quốc phòng, để "không một kẻ nào dám liếc mắt nhòm ngó Ấn Độ".
Mối lo của Ấn tăng lên khi các tàu ngầm của Trung Quốc lần lượt cập cảng của Sri Lanka hồi tháng 9 và vừa tuần trước. Ấn Độ dương là nơi 80% lượng dầu lửa thương mại thế giới đi qua, chủ yếu chở đến Nhật Bản và Trung Quốc. "Nếu anh phụ thuộc vào thương mại hàng hải, và nếu anh không bằng lòng với sự phụ thuộc vào ý chí của một nước khác trên các tuyến đường biển, anh sẽ phải phát triển khả năng bảo vệ các tuyến hàng hải của mình", xã luận của phụ trương báo đảng Trung Quốc Global Times thể hiện mục tiêu của Bắc Kinh trong bài viết mới đây.
Các nước trong khu vực, từ Ấn Độ dương qua tây Thái Bình dương, đều đã hoặc đang có kế hoạch mua sắm thêm tàu ngầm. Trong số này có các nước như Indonesia, Việt Nam, Singapore, Australia.
"Tàu ngầm có thể là vũ khí mạnh nhất sau bom hạt nhân, bởi vì chúng có thể ẩn náu tốt và và âm thầm di chuyển ở khắp nơi. Chúng sẽ là mũi tiên phong trong xung đột hải quân", ông Chen thuộc The Heritage Foundation của Mỹ, nói.
"Các nước đang nghĩ rằng: chúng ta cần trang bị một lực lượng đáng tin cậy, đủ để gieo những mối hoài nghi vào trong đầu một đô đốc Trung Quốc", Bill Hayton, tác giả cuốn sách về tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á, viết. "Hẳn nhiên là họ phải nghĩ đến điều đó, nếu không thì họ sắm tàu ngầm với tên lửa chống hạm để làm gì?".
Phương Vũ