Đường gom cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang dài 15 km. Theo thiết kế ban đầu, đoạn đường này rộng 7,5m, 2 làn xe, gồm một lớp cấp phối đá dăm, mặt đường láng nhựa. Trước nhu cầu khai thác của địa phương, chủ đầu tư đã điều chỉnh thiết kế, tăng thêm một lớp cấp phối đá dăm và tăng độ dày bê tông nhựa, cho phép xe tải trọng dưới 20 tấn thông qua.
Đến tháng 10, khi các đoạn đường gom hoàn thành song chưa bàn giao thì đã hư hỏng do nhiều xe tải nặng đi lại, trong đó có những xe tải trọng 50-60 tấn. Những xe này khai thác đất đồi ở khu vực xã Xương Lâm (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Chủ đầu tư và nhà thầu đã cắm biển cấm xe tải nặng song nhiều xe vẫn cố tình đi vào.
Theo quan sát, nhiều vị trí trên đoạn đường gom bị gồ ghề, sụt lún; một số nơi đang được quây rào để sửa chữa. "Chúng tôi mệt mỏi vì phải bỏ tiền ra sửa chữa rồi lại chứng kiến tuyến đường tiếp tục bị cày phá bởi các đoàn xe tải nặng", ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nói.
Theo ghi nhận của chủ đầu tư, từ ngày 1/10 đến ngày 15/10 đã có gần 100 chuyến xe tải nặng chạy qua đường gom vào ban đêm. Để hạn chế tình trạng này, Ban quản lý dự án đã dựng các rào chắn, barie, trụ bê tông nhưng nhiều xe đâm hỏng barie, tài xế xuống tháo bỏ rào chắn.
Đầu tháng 11, Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang về việc bàn giao đường gom này cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo đơn vị, đến nay các bên chưa thống nhất được đơn vị tiếp nhận.
Theo một lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang, thời gian qua, huyện đã yêu cầu công an tăng cường xử phạt xe tải nặng đi vào công trường đường gom, song việc việc kiểm tra xử phạt chưa triệt để.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng, điểm đầu giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Mai Sao (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), điểm cuối nối với quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Tuyến đường hoàn thành giúp ôtô từ Hà Nội đi Lạng Sơn chỉ mất 2,5 giờ, giảm so với 3,5 giờ nếu đi trên quốc lộ 1.