Sau chín năm chinh phục "giấc mơ Mỹ", Võ Phương Khánh Toàn, 31 tuổi, chàng trai đến từ làng quê nghèo ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, hiện hài lòng với cuộc sống tại New York. Nhìn lại chặng đường đi qua, anh thấy mình may mắn khi đã can đảm bước ra thế giới và trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ làm công nhân ở lâm trường Kẻ Gỗ, thời thơ ấu của Toàn được bao bọc bởi những cánh rừng. Ở nơi anh lớn lên, người trẻ lần lượt tha hương, tìm việc tại những nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, hoặc xuất khẩu lao động sang Angola, UAE. Nhưng bố mẹ động viên Toàn học tập, chấp nhận đầu tư để con có tương lai thoát nghèo.
12 tuổi, Toàn lên thị trấn trọ học cấp hai và sáu năm sau trúng tuyển Đại học Kinh tế Quốc dân, trở thành sinh viên chính quy đầu tiên ở thôn. Cựu học sinh chuyên Toán, THPT chuyên Hà Tĩnh lúc đó chỉ hy vọng sẽ ra trường với tấm bằng giỏi và trở thành công chức trong một ngân hàng nhà nước.
Nhưng trong thời gian học, chứng kiến những người bạn năng động, giành học bổng nhờ lợi thế tiếng Anh tốt, Toàn nghĩ tại sao không thử. "Từ nhỏ, lớn lên với xung quanh là rừng núi nên tôi càng có nhu cầu xem thế giới bên ngoài như thế nào", cựu sinh viên ngành Ngân hàng - Tài chính chia sẻ.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về du học, Toàn choáng váng với chi phí hàng tỷ đồng, chưa kể tiền học các khóa tiếng Anh đắt đỏ. Nhưng ước mơ thôi thúc, anh lấy hết can đảm tâm sự với mẹ khi vào năm ba đại học.
"Mẹ không nói gì, một thời gian sau đưa cho tôi chiếc hộp đựng khoảng 2.000 USD. Mẹ bảo đã đổi số tiền này từ những người đi xuất khẩu lao động nước ngoài về, chưa được bao nhiêu nhưng mẹ sẽ cố gắng dần. Mỗi lần nghĩ tới chuyện đó, tôi như muốn khóc", anh Toàn kể, cho biết từ đó có động lực học tiếng Anh thật tốt, tìm hiểu thông tin, học hỏi kinh nghiệm trên các diễn đàn và chuẩn bị hồ sơ bài bản.
Lúc nộp hồ sơ, Toàn có bằng khen của Trung ương đoàn, giải ba Chương trình Khởi nghiệp toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức và điểm cao top thế giới trong các bài thi chuẩn hóa như GMAT. Học bổng thạc sĩ của Đại học Brandeis sau đó đưa anh Toàn đến với nước Mỹ nhưng cũng mở ra nhiều thử thách khiến anh thất vọng về bản thân.
Tại Mỹ, các công ty thường tuyển thực tập sinh từ sớm, khoảng vài tháng sau khi họ nhập học. Đối với các chương trình thạc sĩ hai năm, sinh viên thường cố gắng kiếm công việc thực tập vào giữa năm nhất hoặc năm hai để được nhận vào làm trước khi tốt nghiệp. Nếu không trúng thực tập ở đâu, cơ hội việc làm sau đó sẽ càng khó.
Không có kinh nghiệm, tiếng Anh chưa tốt, Toàn liên tiếp thất bại trong các cuộc phỏng vấn. Anh tìm đến cựu sinh viên của trường, hỏi họ cách tìm việc và xây dựng sự nghiệp. Sau hơn sáu tháng, cuối cùng Toàn cũng có cơ hội phỏng vấn với PwC (PricewaterhouseCoopers) - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Anh được nhận làm chính thức, một năm trước ngày tốt nghiệp.
Ông Xavier Xu, trưởng phòng cấp cao của PwC, nhận xét, Toàn đam mê nghề tư vấn và luôn hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất. Ông cảm thấy dễ chịu và thú vị khi làm việc với Toàn bởi tính cách hòa đồng của anh. "Tôi biết mình luôn có thể tin tưởng vào cậu ấy cho bất kỳ dự án nào", ông Xu nói.
Ông Xu cũng đánh giá anh là người có kỹ năng lãnh đạo tốt. "Toàn rất nhiệt tình với việc đào tạo nhân viên cấp dưới để họ được thăng tiến. Cậu ấy cũng tốt bụng và luôn sẵn lòng giúp đỡ sinh viên quốc tế và người nhập cư trong quá trình tìm việc, cũng như xây dựng sự nghiệp ở Mỹ".
Sau bốn năm gắn bó với PwC, Toàn muốn đặt ra thử thách mới cho mình ở lĩnh vực công nghệ. Anh cũng mơ ước được học tại trường hàng đầu của Mỹ, gặp gỡ những người giỏi, có nhiều tham vọng. Được nhận vào trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago (số một tại Mỹ về MBA - theo US News Ranking), anh nghỉ việc tại PwC để trở lại giảng đường. Chương trình MBA hai năm nhưng anh cố gắng hoàn thành trong một năm và vừa học vừa làm để lo cho gia đình nhỏ.
Nhờ học trường danh tiếng, anh tiếp cận các cơ hội công việc dễ dàng hơn trước. Với kinh nghiệm làm việc ở PwC, đi học MBA và làm thêm nhiều dự án phát triển thị trường cho sản phẩm, anh được nhận vào Amazon ở vị trí Trưởng phòng Chiến lược hồi tháng 9/2021.
Ông Raphael Cailloux, lãnh đạo cấp cao tại Amazon - một trong các Big4 của lĩnh vực công nghệ, ấn tượng với Toàn ở khả năng suy nghĩ độc lập và tận dụng các nguồn lực khác nhau một cách sáng tạo. Toàn được đánh giá có thể quan sát và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ một cách dễ dàng để tìm ra thông tin chiến lược hữu ích cho công ty.
"Kết quả công việc của Toàn rất tuyệt vời. Toàn có tương lai rất sáng ở Amazon và chúng tôi sẽ làm hết sức để tạo cho cậu ấy cơ hội tận dụng tài năng của mình", ông Cailloux nhận xét.
Trong khi đó, nhìn lại thành công ban đầu của mình, Toàn cho rằng, yếu tố quyết định là may mắn và nỗ lực không bỏ cuộc. "Sự cố gắng đã giúp cuộc đời tôi sang trang", anh Toàn nói.
Từng trải qua những khó khăn ban đầu khi tới Mỹ nên khi bắt đầu thành công, anh cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ lại cộng đồng. Anh truyền cảm hứng, định hướng và hỗ trợ cho sinh viên quốc tế tìm việc, đặc biệt giúp sinh viên nghèo của Việt Nam tiếp cận cơ hội bước ra thế giới. Trong tương lai, Toàn mong muốn tạo ra cộng đồng rộng hơn để giúp đỡ càng nhiều du học sinh càng tốt.
Bình Minh