Thứ ba, 30/4/2024
Thứ tư, 11/10/2023, 00:00 (GMT+7)

Đường BOT qua Hà Tĩnh chi chít ổ gà, vệt hằn lún

Nhiều vị trí trên quốc lộ 1 đoạn nam cầu Bến Thủy 2 đến bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh xuất hiện ổ gà, hằn lún vệt bánh xe, gây mất an toàn giao thông.

Đường BOT Hà Tĩnh xuống cấp
 
 

Đường BOT qua Hà Tĩnh xuống cấp. Video: Đức Hùng

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1, đoạn từ nam cầu Bến Thủy 2 (huyện Nghi Xuân) đến phía bắc đường tránh TP Hà Tĩnh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) dài khoảng 35 km, kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng, do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, bề rộng hơn 20 m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách giữa. Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2014.

Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (thuộc CIENCO 4) được giao thu phí tại các trạm Bến Thủy 1 và 2, giáp ranh giữa TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để hoàn vốn, giá vé 40.000-200.000 đồng tùy loại ôtô.

Đầu năm 2017, người dân tập trung phản đối, trả tiền lẻ qua trạm BOT Bến Thủy 1 vì cho rằng không qua tuyến tránh Hà Tĩnh mà phải trả phí. Bộ Giao thông Vận tải sau đó thống nhất giảm 100% phí cho phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ xe có hộ khẩu, doanh nghiệp có trụ sở chính tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) khi qua trạm BOT Bến Thủy 1.

Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, tuyến đường BOT này liên tục hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ gà, trồi lún, hằn lún bánh xe... Hàng tháng và quý chủ đầu tư đều khắc phục song không hết.

Ngày 20/9, sau khi đi kiểm tra hiện trạng tuyến đường, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ II, đánh giá việc khắc phục mặt đường hư hỏng còn rất chậm, yêu cầu Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh phải xem xét trách nhiệm, báo cáo trung thực lên CIENCO 4, sau đó đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam có chỉ đạo tiếp.

Theo ông Dũng, có nhiều phương án xử lý, trong đó nặng nhất là đề xuất dừng thu phí. Trên thực tế, đơn vị hai lần đề xuất dừng thu phí trạm Bến Thủy, song Cục Đường bộ Việt Nam tạo điều kiện để công ty khắc phục. Lần này nếu nhà đầu tư chậm sửa chữa các vị trí hư hỏng, Khu Quản lý đường bộ II tiếp tục đề nghị theo hướng này.

Tại vị trí gần cầu Già, đoạn giáp ranh giữa xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà) và thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc), hôm 8/10 mặt đường xuất hiện vết rạn nứt mai rùa cỡ lớn, tạo thành vũng đọng nước, đường kính 30 cm.

Cách đó hơn 2 km, tại đoạn qua xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà), mặt đường có nhiều vệt cào bóc dài hơn một mét, rộng 3 m.

Một vị trí sát dải phân cách cứng đoạn qua xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc) xuất hiện vệt hằn lún bánh xe, nhựa dồn ứ cao hơn 5 cm.

Đoạn gần thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) có ổ gà, vết nứt và vệt hằn lún nằm giữa làn đường theo hướng Nam - Bắc, kéo dài khoảng 3 m.

Tài xế qua khu vực này hôm 8/10 đã bẻ lái sang hai bên để bánh xe không đi vào vệt hằn lún. Khi không kịp bẻ lái, bánh xe đè lên ổ gà khiến phương tiện bị rung, tạo ra tiếng "lộp rộp".

Thống kê của đơn vị quản lý, hiện toàn tuyến có khoảng 25.000 m2 mặt đường hư hỏng, đến nay mới tập trung sửa chữa gần 2.000 m2.

Tối 7/10, trời đổ mưa lớn, bà Nguyễn Thị Nhiệm, 55 tuổi, trú thị trấn Nghèn, phải túc trực dùng chổi quét nước từ sân ra đường. Tuy nhiên, lượng xe chạy qua nhiều khiến nước liên tục bắn vào, quét mãi không hết. "Tôi bán tạp hóa bên đường, mỗi khi trời mưa nước bắn và chảy vào kiốt gây hư hỏng hàng hóa", bà Nhiệm nói.

Từ cuối tháng 9 đến nay, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh đã điều máy móc, công nhân cào bóc, thảm lại những điểm hư hỏng. Tuy nhiên, do xảy ra nhiều đợt mưa nên việc khắc phục không được thường xuyên.

Toàn tuyến đường BOT từ huyện Can Lộc đến thị xã Hồng Lĩnh có nhiều đoạn nhựa cũ và nhựa mới được "vá" chồng lên nhau. Hiện chỉ có khoảng 5 km từ nam cầu Bến Thủy 2 đến xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân là mặt đường còn nguyên vẹn, chưa bị cào bóc.

Ông Lâm Hoàng Linh, Phó giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, cho biết đơn vị đang thiếu vốn sửa chữa, vừa rồi vay được 5 tỷ đồng nên sắp tới tập trung làm cuốn nhiều, khắc phục những vị trí hư hỏng nặng trước, điểm nhẹ thì làm sau.

"Với những điểm hư hỏng nặng, nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến đến giữa tháng 10 sẽ xong. Để làm đồng bộ toàn tuyến thì cần hơn 50 tỷ đồng từ dự án trung tu", ông Linh nói.

Đức Hùng