Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, trong tháng 8, đơn vị này đã khảo sát hạ tầng khu bay thuộc phạm vi quản lý. Kết quả cho thấy, đường cất hạ cánh 11L/29R xuất hiện vệt hằn bánh tàu bay, mỗi vệt rộng một mét. Trên đường cất hạ cánh này còn có vết nứt dọc tim đường kiểu rạn chân chim, với khe nứt một mm, dài 30-50 cm ngắt quãng.
Đường cất hạ cánh 11R/29L có tình trạng nứt vỡ, một số tấm bê tông xi măng bị lún, cá biệt có những vị trí độ lệch giữa khe 2 tấm bê tông xi măng tới 3 cm.
Đoạn tiếp giáp đường cất hạ cánh 11L/29R có vệt hằn theo vệt càng sau tàu bay. Tại một số khu vực khác dù đã được sửa chữa trong năm 2018, nhưng đến nay tiếp tục bị hư hỏng do nền yếu, đất sùi lên bề mặt bê tông.
Ngoài ra ngày 9/8, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã phải lập biên bản dừng khai thác đường lăn S3 vì không đảm bảo an toàn cho tàu bay lăn qua; sau khi được khắc phục, đến ngày 19/8, đường lăn S3 đã khai thác trở lại song ở mức độ hạn chế.
Theo ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, trong khi công trình chưa được sửa chữa lớn, toàn diện thì cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu khắc phục tạm thời các vị trí hư hỏng để đảm bảo khai thác và an toàn bay; máy bay được giảm tần suất hoạt động trên đường lăn bị hư hỏng.
"Nhiều lúc số chuyến bay cất hạ cánh ở Nội Bài lên tới 42 chuyến/giờ so với năng lực khai thác là 37 chuyến/giờ. Do vậy, việc sửa chữa toàn diện các hư hỏng đường băng là cấp bách", ông Phương nói.
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho hay, đường băng sân bay Nội Bài chưa được sửa chữa tổng thể do vướng mắc về cơ chế. Năm 2017, sau khi Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cổ phần hóa, hệ thống đường băng tại các sân bay đã được tách ra, do Nhà nước quản lý và bố trí vốn đầu tư, bảo trì.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải không có vốn để đầu tư nâng cấp đường cất/hạ cánh và đường lăn tại sân bay Nội Bài, trong khi ACV có vốn song không được quyền sửa chữa.
Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV nói, "nếu Nhà nước giao cho ACV thì doanh nghiệp có thể dùng quỹ đầu tư phát triển của mình để nâng cấp, sửa chữa khu bay".
Giữa năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế giao cho ACV sửa chữa khu bay hai cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Nếu được Bộ Tài chính chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo ACV căn cứ hệ thống định mức, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật hiện hành để lập kinh phí cho việc này. Tuy nhiên, đến nay các vướng mắc về thẩm quyền sửa chữa hạ tầng khu bay hai sân bay lớn vẫn chưa được thống nhất.
Tại cuộc họp triển khai công tác an toàn, an ninh hàng không dân dụng giữa tháng 8, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu bộ, ngành liên quan sớm xử lý vướng mắc liên quan đến hạ tầng khu bay nêu trên.
Đường cất hạ cánh sân bay quốc tế Nội Bài đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt cất hạ cánh trong 20 năm. Sau 15 năm, tổng số lần cất/hạ cánh trên đường băng này đã lên 284.200.