Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ sáu, 29/9/2017, 00:00 (GMT+7)

Đường 600 tỷ đồng một km ở thủ đô làm 15 năm chưa xong

Khởi động từ 15 năm trước, đến nay tuyến đường vành đai 2,5 từ Đầm Hồng tới Giải Phóng (Hà Nội) chưa giải phóng xong mặt bằng.

Đường 600 tỷ đồng một km ở thủ đô làm 15 năm chưa xong
 
 

Đường hai km từ Đầm Hồng đến Giải Phóng nhìn từ trên cao.

Để giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông ở khu vực Linh Đàm, năm 2002, UBND TP Hà Nội đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai).

Dự án có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).

Dự án có điểm đầu từ Đầm Hồng thuộc phường Khương Trung, Thanh Xuân. Tuy nhiên đoạn này còn hàng chục ngôi nhà chưa được giải phóng mặt bằng, nhiều chỗ cây cối um tùm, đường chưa được hình thành.

Đoạn từ cầu sông Tô Lịch đến đường Giải Phóng dài khoảng 600 m, sau gần 15 năm khởi động, đến nay phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng, trong đó có trên 550 hộ dân trong diện phải thu hồi.

Lãnh đạo ban Giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, đến nay quận đã phê duyệt, đền bù và giải phóng được trên 40.000 m2 trong tổng số diện tích thu hồi, phần còn lại chưa giải phóng được là do các hộ dân có đơn thư kiến nghị.

Tại khu vực tuyến đường cắt qua sông Tô Lịch đã hoàn thiện phần móng và trụ bê tông của cầu vượt sông.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ dân, cả tháng qua không có bóng dáng của công nhân thi công.

Nhiều ngôi nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng, ở cạnh cầu này vẫn hoạt động buôn bán nhộn nhịp.

Trên bản đồ quy hoạch cũng như thực địa, tuyến đường khi đi qua khu đô thị Định Công tạo thành hình vòng cung. Nhưng đây cũng chính là lý do 45 hộ dân ở phường Định Công và Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm đơn kiến nghị vì cho rằng dự án đã làm sai quyết định quy hoạch của Thủ tướng trong những năm 1998 và 2002, "từ đường thẳng nắn thành cong, khiến họ bị lấy đất, lấy nhà để làm đường".

Ông Giang Chí Trung, Trưởng ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đã tổ chức hội nghị giữa UBND quận và nhiều sở, ngành liên quan, công khai hồ sơ, bản vẽ cho các hộ dân, tính đến nay chỉ còn khoảng chục hộ chưa đồng ý việc kê khai, giải phóng mặt bằng.

Vị này cũng khẳng định hướng tuyến, chỉ giới, mốc giới đường 2,5 được kế thừa và tuân thủ theo dự án mà Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương từ năm 1992; không có sai lệch hay nắn chỉnh từ thẳng thành cong.

Hiện dự án đã có mặt bằng với khoảng hơn 600 m thuộc phường Định Công (Hoàng Mai) và Khương Trung (Thanh Xuân). Ở đây các đơn vị thi công phần cống thoát nước.

Đường vành đai 2,5 được thiết kế với chiều rộng 40 m, hai lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22 m, mỗi bên vỉa hè rộng 7,5 m.

Đoạn giáp ranh giữa phường Khương Trung và Định Công đã hoàn thiện cơ bản với 200 m đường; dải phân cách rộng khoảng 3 m được làm xong nhiều tháng qua.

Trên cả tuyến đường dài hơn một km dù có mặt bằng thi công nhưng trong những ngày này chỉ lác đác vài công nhân làm việc.

Một số ngôi nhà mọc lên bên cạnh tuyến đường vừa được giải phóng mặt bằng.

Theo UBND quận Hoàng Mai, lực lượng chức năng dự kiến giải quyết tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong quý IV/2017 để sớm có mặt bằng thi công và thông xe trong năm 2018; trong trường hợp các hộ dân cố tình không chấp hành thì sẽ tổ chức cưỡng chế.

Bản đồ vị trí tuyến đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng đến Giải Phóng.

Phương Sơn - Hùng Thập