Những ngày qua, thông tin Cô giáo mắng học sinh 'ngu như bò' lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Ngày 17/10, giáo viên này đã bị đình chỉ công tác, đây là cái kết chắc ai cũng biết trước.
Rất nhiều lời phê phán, công kích, chỉ trích hướng đến cô giáo. Tuy nhiên, tôi muốn nhìn nhận sự việc dưới một góc độ khác, một cái nhìn thực sự khách quan, đồng thời mong muốn các bạn hãy suy nghĩ kỹ vấn đề này.
Trước hết tôi đặt câu hỏi và xin tự trả lời: Giáo viên là ai? Giáo viên có phải là một người đặc biệt không? Câu đầu tiên, tôi không trả lời vì chắc ai cũng biết rồi.
Với câu thứ hai, tôi xin khẳng định: Giáo viên không phải là một người đặc biệt, họ cũng chỉ là người bình thường như bao người khác. Khi buồn, họ khóc, khi vui thì cười, họ cũng biết giận dữ… và việc mắc sai lầm là không thể tránh khỏi. Nếu vậy, có nên cảm thông cho họ hay không?
Đọc bình luận trên các diễn đàn, tôi thấy nhiều người chỉ biết chỉ trích mà không tự nhìn lại mình, không tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ nên không thể hiểu được những áp lực từ nghề mà ta vốn nói nó rất cao quý này.
Khi con, cháu hư đốn thì bạn sẽ làm gì? Trước mặt bạn, chúng hỗn láo, dùng những từ ngữ không hay, thậm chí là chửi lại người lớn thì bạn sẽ xử trí ra sao? Tôi nghĩ trong trường hợp này chắc chắn phụ huynh nào cũng sẽ nổi giận, sẽ mắng trẻ hoặc cho vài cái roi, tát...
Liệu có bố mẹ nào lại nhẹ nhàng bảo “con ơi đừng hư nhé” khi bị chúng hỗn láo hay không? Tôi cho rằng, rất hiếm, trừ những người đã bất lực với con cái, chỉ biết chọn cách im lặng cho xong mà thôi. Hoặc khi con không chịu ăn, các mẹ sẽ quát mắng, dọa dẫm và có thể cho trẻ vài roi. Con bị điểm kém thì bắt nằm lên giường, dùng gia pháp, roi mây... Còn rất điều khác nữa mà tôi không thể kể hết ra đây.
Trong những tình huống như vậy, khi đánh, mắng và chửi con, các bạn có xót hay không? Tuy nhiên, dù có nặng lời, nặng tay cũng là một cách để dạy con. Vì thế, cô giáo cũng là người bình thường như tất cả mọi người, việc nóng giận, mắng học sinh hay cho vài roi cũng là chuyện đương nhiên bởi họ làm vậy cũng như bao ông bố, bà mẹ khác vẫn dạy con mình khi chúng hư quá mức.
Đến đây, hẳn nhiều người sẽ phản bác lại rằng: “Họ là giáo viên, là người trồng người, được đào tạo sư phạm thì lời nói đến hành động phải chuẩn mực”. Vâng, tôi nhất trí về điều này. Vậy nhưng nếu không là giáo viên, bạn vẫn có quyền nói những lời “ngu như bò” với con cái sao?
Trước khi phê phán hãy tự nhìn xem mình đã là tấm gương chưa hay bản thân cũng đầy lỗi lầm để rồi có cái quyền phê phán người khác.
Về chuyện cô giáo mắng học sinh, tôi đồng ý là sai, rất sai. Nhưng từ những điều tôi trình bày trên, liệu các bạn có chút thông cảm nào với cô không? Cô sai thì cô phải chịu hình thức kỷ luật nhưng nghỉ việc có lẽ quá nặng.
Tại sao học sinh hư, hỗn với giáo viên thì chỉ bị nhắc nhở, khiển trách và nặng nhất cũng chỉ đuổi học một năm với lý do các cháu còn trẻ, còn dại, cần cho các cháu cơ hội sửa chữa. Vậy tại sao giáo viên phạm sai lầm không cho cơ hội sửa chữa?
Họ mất bao công sức học tập để lấy được tấm bằng sư phạm, vậy mà thời buổi này chẳng còn được coi trọng nữa, chỉ một chút chuyện xảy ra là bị đuổi việc. Những trường hợp bạo hành trẻ em mẫu giáo, cấp một, chúng ta không bàn đến, nhưng như cô giáo mắng học sinh “ngu như bò” bị đuổi việc thì quá nặng.
Ngoài việc mất công ăn việc làm, họ còn bị sang chấn tâm lý, gia đình chịu nhiều áp lực, con cái bị bạn bè xa lánh… Chúng ta có chế tài bảo vệ học sinh còn giáo viên dường như cứ có vụ gì xảy ra bị đưa lên mạng thì coi như hết cơ hội làm nghề, bởi không có chế tài bảo vệ giáo viên.
Trong số những người bình luận, phê phán, chỉ trích vị giáo viên kia, có rất nhiều người hàng ngày đứng trên bục giảng. Họ nói họ chưa bao giờ mắng, đánh học sinh... tôi xin cam đoan họ đang dạy cấp một hoặc những ngôi trường có tiếng, trường chuyên, lớp chọn…
Các bạn có biết hệ thống giáo dục Việt Nam bậc phổ thông có những kiểu trường nào không? Điều này chắc ai cũng biết, đó là trường THPT chuyên, trường công lập, bán công, tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Học xong cấp hai, các em phải thi vào cấp ba. Những em ngoan, học giỏi thì vào hết trường chuyên, lớp chọn, trường công lập và một vài trường tư thục danh tiếng. Những em này như những “hạt gạo” ngon nhất và việc nấu chúng thành cơm ngon chắc không khó.
Số còn lại, hầu hết là những người có học lực trung bình, yếu và đương nhiên quá nửa trong số đó là những em có đạo đức yếu kém, hỗn láo sẽ vào trường tư thục, bán công.
Các em này như những hạt cám, hạt gạo xấu còn sót lại. Để nấu được thành cơm đã khó, nữa là đòi cơm ngon. Học sinh cá biệt sẵn sàng đứng giữa lớp chửi giáo viên, dọa dẫm hay có những thái độ xứng đáng bị đuổi học.
Trường tư thục, bán công được xem là đứa “con nuôi” của Sở Giáo dục. Dù thế nào, họ vẫn phải làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng tài chính thì phải tự lo. Vậy nên, nếu đuổi học sinh thì tiền đâu mà trả cho các thầy cô, duy trì trường lớp? Vì thế, học sinh hư quá nhiều nhưng biện pháp xử lý lại quá ít.
Một câu mắng, một cái roi mà giúp các em tốt hơn thì có nên hay không? |
Làm giáo viên đôi lúc không tránh khỏi việc nóng giận mà có những hành động chưa chuẩn mực. Một đứa con hư đủ khiến các bạn điên đầu, đằng này mỗi lớp có tới 40, 50 học sinh mà mười mấy đứa hư, liệu bạn có giữ được bình tĩnh mãi không?
Vậy nên đừng lúc nào cũng trách họ mà cần phải có cái nhìn cảm thông hơn. Nếu cứ đứng trên bục giảng của trường chuyên, lớp chọn, cứ nghĩ lại thời mình đi học ở trường THPT bình thường mà phê phán, muôn đời các bạn không báo giờ hiểu được đâu.
Có lẽ nên cho các giáo viên dạy trường chuyên lớp chọn, các nhà quản lý về đó dạy vài tuần thì họ mới thấu hiểu được sự khó khăn này để mà cảm thông.Việc giáo dục con cái là của ai? Của nhà trường, của xã hội và của các bậc làm cha làm mẹ. Vậy nhưng các bậc phụ huynh dường như quên điều này. Họ cho rằng con mình dốt là do giáo viên, con hư là do nhà trường.
Vậy có nhà trường nào dạy các em đi ăn trộm, ăn cướp không? Chắc chắn 100% là không, nhà trường chỉ đào tạo các em về tri thức là chính.
Các chế tài, biện pháp kỷ luật, khen thưởng một phần giúp các em về mặt đạo đức, còn chuyện đối nhân xử thế là do cha mẹ, gia đình giáo dục cho các em. Vậy nên, đừng đổ lỗi cho nhà trường, cho giáo viên, đừng phê phán này nọ khi mà việc của mình chưa làm được. Hãy dạy con ngoan ở nhà, lễ phép ở trường, bình thường ngoài xã hội trước, phần tri thức nhà trường sẽ làm nhiệm vụ của mình.
Những điều tôi nói trên mục đích là gì? Không phải để biện minh cho hành động của cô giáo đó, không phải để mọi người làm ngơ trước những hành động ấy. Mục đích của tôi là để các bạn hiểu được và thông cảm cho những người thầy, người cô đôi khi nóng giận mà có những hành động sai trái.
Tôi cũng chỉ muốn cho con em các bạn tốt hơn mà thôi. Một câu mắng, một cái roi mà giúp các em tốt hơn thì có nên hay không? Tôi thấy có rất nhiều người đã thành danh, trong quá khứ luôn bị thầy cô la mắng, sau này họ luôn cảm ơn những người đã từng dạy dỗ mình thời đi học.
Vì thế, chúng hãy nhìn nhận sự việc bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của các thầy cô chứ không nên làm anh hùng bàn phím.
>> Xem thêm: Vì sao thầy giáo lại đánh học sinh
Đừng 'bẻ gãy' cây thước dạy trò của thầy cô Cây thước kẻ của thầy cô ngày xưa tôi ghét lắm nhưng sao giờ tôi lại thấy nó thân thương. Nhờ nó, chúng tôi giờ là trưởng phòng, giám đốc, doanh nghiệp, luật sư… |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.