Nhóm nhà khoa học từ Anh và Mỹ công bố nghiên cứu mới về chiều dài của đuôi sao chổi 153P/Ikeya-Zhang trên kho dữ liệu arXiv hôm 31/5. Để thực hiện nghiên cứu, họ phải lục lại dữ liệu từ gần 20 năm trước.
Tàu vũ trụ Cassini phóng lên không gian năm 1997. Năm 2002, khi di chuyển giữa quỹ đạo của sao Mộc và sao Thổ, con tàu ghi nhận được một lượng lớn proton trong không gian. Điều này trở thành một bí ẩn chưa có lời giải suốt nhiều năm. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho rằng số proton mà Cassini ghi nhận đến từ chiếc đuôi ion hóa của sao chổi 153P/Ikeya-Zhang.
Các tương tác giữa Mặt Trời và sao chổi có thể khiến hai loại đuôi hình thành. Loại quen thuộc hơn là đuôi bụi, sinh ra khi bức xạ Mặt Trời làm nóng lõi sao chổi, giải phóng lượng khí bụi từng bị giam giữ trong khối cầu băng này. Loại còn lại là đuôi ion, hình thành khi khí trung tính trong lõi sao chổi bị ion hóa bởi bức xạ. Với trường hợp của sao chổi 153P/Ikeya-Zhang, các proton bị kéo ra từ khí hydro trong quá trình ion hóa này có thể đã được gió Mặt Trời thổi về phía tàu Cassini.
Vị trí của sao chổi và lượng proton mà Cassini phát hiện chỉ ra, tàu vũ trụ này đã bay qua đuôi ion của sao chổi 153P/Ikeya-Zhang. Nhóm chuyên gia nghiên cứu các proton kỹ hơn và nhận thấy, từ khi rời khỏi đầu sao chổi, chúng đã di chuyển quãng đường dài gấp 6,5 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Tính cả sự thay đổi đường đi của sao chổi trong quá trình đo đạc, đuôi ion này dài ít nhất hơn một tỷ km, gấp 7,5 lần khoảng cách Trái Đất - Mặt Trời.
Vì các tàu vũ trụ mới chỉ đi qua đuôi sao chổi vài lần, khả năng kỷ lục này lại bị phá vỡ rất cao, các nhà nghiên cứu nhận xét. Họ đang trông đợi kết quả mới từ sự tương tác giữa tàu vũ trụ Solar Orbiter và sao chổi ATLAS.
Thu Thảo (Theo IFL Science)