Hạnh phúc biết bao khi lớn lên trong một mái nhà mà có cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu. Cá biệt, có gia đình tứ đại đồng đường, cả bốn thế hệ cùng nhau chung sống. Tuổi thơ tôi gắn với ruộng đồng, trường học. Một buổi chăn trâu, một buổi tới trường. Đường ra đồng lầy lội vào ngày mưa. Ngồi trên lưng trâu nhìn về làng thấp thoáng những bóng cây cao vút. Ở đó có những tổ chim non mới nở. Buổi trưa hè tinh nghịch trèo lên bắt chim về nuôi. Khi mẹ chúng về tổ thấy con đã mất mà tổ chim thì đã bị phá, tiếng chim mẹ kêu vang cả khu vườn nghe não nề như người mẹ mất đứa con thơ.
Lớn lên, xa nhà vào quân ngũ, dưới mái nhà tập thể thèm sao một bữa cơm quây quần bên bếp lửa. Những lúc đó, tôi cùng đồng đội ra đầu nhà bắc nồi nước pha ấm trà ngồi nhâm nhi vị đắng ngọt của thứ trà quê mà bạn về phép đem tặng. Có lúc nhớ nhà, nhớ người yêu, nỗi hứng thi sĩ làm một bài thơ. Khi chuyền tay nhau đọc, có đứa bạn còn chép vào sổ tay làm kỷ niệm.
Bên bếp lửa đêm đông dài gió bấc. Mẹ miệt mài ngồi khâu áo cho con. Thơ dẫu chưa hay nhưng tấm lòng thì thật lắm. Rời cây súng vào đại học. Cây bút giờ đây mềm hơn cây súng. Mái trường đại học có khi là mái nhà chung cho tất cả sinh viên đến từ khắp miền quê. Ở nhà trọ vui buồn bên căn gác xép. Có gia đình chủ nhà ưu ái sinh viên, nấu bữa cơm ngon mời người sinh viên cùng ngồi vào mâm cho đỡ tủi.
Nhưng cũng có gia đình coi sinh viên như những người xa lạ. Có lẽ do chủ nhà và người thuê trọ chưa thật hiểu nhau nên chưa đồng cảm. Để rồi hiểu nhầm gây xích mích, dẫn đến việc sinh viên phải xách vali đi tìm nơi ở mới. Giữa cảnh phố xá bộn bề người xuôi ngược. Những xoong nồi, chăn màn chất trên chiếc xích lô trông thật bơ vơ tội nghiệp. Khi đó, có gia đình thương tình cho ở nhờ mà chưa tính tiền nhà. Có bác xích lô tốt bụng chỉ dẫn tận tình. Nhưng cũng có chủ nhà trọ cay nghiệt với sinh viên hơi quá đáng. Những lúc đó, thèm sao một bữa cơm chiều bên cha bên mẹ, dưới mâm cơm có chú mèo mướp kêu meo meo chỉ chực chờ một miếng cá rơi. Chao ôi! Cảnh bình dị đó đâu phải ai cũng có.
Vào ký túc xá. Căn phòng nhỏ chứa 6-7 con người đến từ khắp mọi miền cùng chung cảnh ngộ. Có giờ cơm dọn ra thật đạm bạc nhưng cũng có khi cả phòng đãi nhau một bữa bia chai hoặc bia hơi có món ngon từ quê gửi đến. Mâm cơm như là chất keo dính kết tình người xa xứ.
Ngôi nhà tôi đang ở là nhà gỗ từ ngày ông nội tôi còn sống. Trải qua bao biến thiên của cuộc sống, mái nhà vẫn nguyên vẹn từng đường cưa mũi đục khéo léo của người thợ. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mái nhà vẫn là nơi các anh chị em chúng tôi sau những tháng năm xa lại trở về tụ hội.
Bên mâm cơm đầm ấm ngày gặp mặt, mẹ tôi, tóc đã màu mây còn cha tôi thì đã khuất núi mấy năm rồi. Mỗi người một công việc nghề nghiệp khác nhau nhưng khi gặp nhau đều cảm thấy mình chỉ là đứa trẻ so với mái nhà đã gần hai phần ba thế kỷ.
Cha tôi ngày còn sống vẫn luôn nhắc nhở các con dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn giữ gìn đạo lý. Giờ đây, dưới mái nhà xưa gắn bó với cha tôi gần trọn kiếp người, cha tôi đã vắng bóng nhưng mái nhà thì vẫn vững chãi qua bao mưa bom đạn lửa, bão tố mưa sa. Ngôi nhà xưa yêu dấu của chúng tôi ơi. Mặc dù nhiều cái đã đổi thay thì dưới mái nhà vẫn là nơi yên bình nhất.
Phan Xuân Hậu
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.