Trước sự hùng hổ của phụ huynh, tôi phải toát mồ hôi mới khuyên được anh bình tĩnh, vào văn phòng nói chuyện riêng. Chẳng là con anh bị bạn đánh.
Cả hai em chưa bị thương nghiêm trọng vì được can ngăn kịp thời. Cũng là một người mẹ, tôi rất hiểu cảm xúc của anh. Trong văn phòng, anh liên tục yêu cầu gặp mặt "học sinh côn đồ" để "xử lý", yêu cầu trường phải đuổi học cậu ta.
Tôi giải thích rằng, hội đồng kỷ luật đã xử lý nghiêm minh. Em đó phải viết kiểm điểm, cam kết không tái phạm. Chúng tôi đã mời cha mẹ em tới trường trao đổi các biện pháp. Còn việc cho thôi học là không thể theo quy chế hiện hành, dù rằng em đã đánh bạn không chỉ một lần, thậm chí rủ các bạn khác đánh hội đồng. Hơn nữa, một đứa trẻ vị thành niên bị đẩy ra khỏi cổng trường, liệu có thể sa ngã đến đâu nữa?
Giáo viên chủ nhiệm học sinh cá biệt kia cũng đã khuyên nhủ em rất nhiều, phụ huynh thì khóc hết nước mắt. Nhưng không có gì để đảm bảo, trong phút giây nóng giận bốc đồng, em sẽ không vung nắm đấm với bạn bè. Học sinh biết rõ hình phạt nặng nhất nhà trường có thể làm chỉ là dừng học một vài ngày.
Từ khi làm giáo viên, không ngày nào tôi không nơm nớp học sinh của mình có gây chuyện gì không. Từ khi làm mẹ, ngày nào tôi cũng mong con đi học về nhà an toàn. Tôi đã vô cùng bàng hoàng, rơi nước mắt khi đọc tin về nam sinh ở Hà Nam tử vong do bị bạn đánh. Tôi không khỏi nghĩ mãi, em đánh bạn sẽ đeo theo nỗi day dứt lâu dài, còn hai gia đình sẽ đau đớn suy sụp thế nào.
Mỗi khi có vấn đề bạo lực học đường, nhiều người đổ lỗi tất cả do giáo dục. Chúng tôi chỉ là những giáo viên bình thường, rất nhiều vụ việc chính chúng tôi cũng cảm thấy bế tắc. Còn nói thật ra mọi khó khăn của mình, giáo viên rất sợ bị xã hội và phụ huynh lên án.
Nếu nhà trường xử phạt học sinh, nhiều ý kiến cho rằng xử phạt chỉ thể hiện sự bất lực của trường, giáo dục tiên tiến là phải cảm hóa con người. Nếu có vụ nghiêm trọng, lại có ý kiến phê phán rằng trường xử phạt quá nhẹ, chắc vô trách nhiệm hay ăn hối lộ, các thành phần như vậy sao chưa đuổi học. Mà với học sinh đã dám hành hung bạn như các nữ sinh ở Thanh Hóa, bị phạt thôi học một tuần, tôi e các em chẳng buồn.
Chúng tôi luôn mời phụ huynh lên trường phối hợp khi có chuyện, nhưng nhiều phụ huynh thừa nhận họ bất lực với con mình. "Thầy cô cứ phạt nó thật nặng vào, chứ tui hết cách với nó rồi", họ nói. Nhà trường cũng nhờ công an phường trong nhiều tình huống. Nhưng công an cũng chỉ để khuyên răn, đâu thể nào "bắt, nhốt" các em như phụ huynh đề nghị.
Trường trung học cơ sở hiện nay đã cắt giảm chức danh giám thị, mỗi tuần một giáo viên gặp các em được vài tiết, mỗi tiết 45 phút cho cả lớp hơn 40 em, chạy bài cho kịp chương trình còn sợ không đủ thời gian nên khó mà trao đổi, khuyên nhủ các em về mọi điều. Trong giờ sinh hoạt chung hay sinh hoạt lớp, các thầy cô trường tôi đều nhắc đi nhắc lại rằng nghiêm cấm bạo lực. Các em cũng "vâng, dạ" nhưng nhiều em sau đó vẫn đánh nhau. Bởi, có lẽ lời nói là chưa đủ.
Theo Thông tư 32/2020 áp dụng từ 1/11 cho tất cả các trường THCS và THPT trên cả nước, nhà trường được "tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác" với học sinh vi phạm kỷ luật. Hầu hết các trường hiện nay dừng học một tuần với học sinh hư. Bởi các thầy cô cũng biết, dừng học lâu còn có thể đẩy các em ra xa mái trường hơn, dễ sa ngã hơn. Ngoài ra, học sinh vi phạm có thể bị xử lý các mức độ: giáo dục kỷ luật tích cực, nhắc nhở, hỗ trợ, khiển trách.
Dừng việc học trên lớp một, hai tuần có đủ răn đe với học trò? Kể cả "đuổi học cho nó chừa" như quy định trước đây, thì đuổi xong các em có "chừa", có thành người tốt hơn? Đúng là học sinh còn chưa đủ năng lực và nhận thức, cần phải được giáo dục uốn nắn, nhưng tôi xin mạnh dạn cho rằng, có những học sinh mà môi trường giáo dục bình thường gần như không thể uốn nắn.
Trường giáo dưỡng là mô hình cải tạo cho trẻ vị thành niên có thể nói là duy nhất hiện nay tại nước ta. Nhưng nơi này chỉ dành cho các em vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Để đưa một trẻ vào trường giáo dưỡng, cần có quyết định của tòa án nhân dân và chính quyền địa phương, có bằng chứng em phạm tội nguy hiểm nhiều lần cùng các ý kiến từ gia đình và cộng đồng. Còn lại, giải pháp được khuyến nghị với hầu hết học sinh cá biệt vẫn là "gia đình kết hợp với trường học, địa phương".
Tôi tin trong mỗi học sinh cá biệt có những tổn thương và lệch lạc từ quãng đời trước đó, gồm cả tâm lý và thể chất. Nhiều em cần một môi trường nghiêm khắc và phù hợp hơn. Tôi hình dung nó nằm giữa môi trường bình thường và chuyên biệt như trường giáo dưỡng, đủ khắt khe để nắn trẻ vào nguyên tắc cơ bản nhưng đủ tôn trọng và tình thương để trẻ còn tin rằng cuộc đời là quý giá.
Dạy một con người đã khó, dạy học sinh hư chắc chắn chưa bao giờ là việc dễ. Liều lượng yêu thương hay trừng phạt bao nhiêu là vừa, chúng ta sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác hoàn toàn. Nhưng điều đó không có nghĩa các nhà lập pháp và giáo dục hôm nay không thể tìm ra một giải pháp tiệm cận với thực tế hơn.
Phạm Minh Phương Hằng