Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022 trên cơ sở 15/17 phiếu tán thành. Hai thành viên bỏ phiếu tăng từ 1/1/2023. Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.
Đại diện VCCI đồng ý với mức tăng 6% song chưa hài lòng với thời điểm tăng từ 1/7/2022, mong muốn điều chỉnh từ 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị khi đơn hàng, kế hoạch sản xuất đã vào guồng. Ngày 14/4, tám hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, nhìn nhận thời điểm tăng lương gấp gáp, cách ngày 1/7 chỉ hai tháng có thể gây cú sốc cho doanh nghiệp, vốn vừa gượng dậy sau đại dịch Covid. Tiền lương cơ sở trong khu vực công do ngân sách chi trả nên có nguồn lực thì có thể tăng bất cứ lúc nào mà không gây xáo trộn nhiều. Song với doanh nghiệp, tiền lương được tính vào chi phí sản xuất, phải tính từ năm trước để chuẩn bị cho năm sau.
"Nguyên tắc xây dựng lương tối thiểu trong khối này phải tính đến doanh nghiệp vừa và nhỏ - nơi có số công ty đông, tập trung nhiều lao động chứ không chỉ cho doanh nghiệp kinh doanh bình thường, có lợi thế", ông nói.
Theo ông Huân, lần đầu tiên điều chỉnh tiền lương không theo lộ trình là vào tháng 10/2011, sớm một quý so với thường lệ. Nguyên nhân là bắt kịp biến động giá cả nửa cuối năm 2011 (CPI tháng 10/2021 tăng 17,05% và cả năm 2011 tăng 18,13%), giảm thiểu khó khăn cho người lao động, xóa bỏ khoảng cách về lương giữa các loại hình doanh nghiệp. Nhưng sau đó nhiều doanh nghiệp phản đối, cho rằng sản xuất kinh doanh bị xáo trộn. Bộ với vai trò "cầm cân" đã lắng nghe ý kiến từ hai phía, chỉnh lại phương án tăng lương vào ngày 1/1 hàng năm, theo năm tài chính của doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm đó, ông Huân cho rằng thời điểm tăng lương tối thiểu chỉ nên phá lệ vào giữa năm nay, những năm sau nên trở về ngày 1/1 khi kinh tế đã dần phục hồi. Quy luật nhiều năm cũng cho thấy sau mỗi đợt điều chỉnh tiền lương, giá một số mặt hàng lại tăng theo. Chính phủ cần có biện pháp kìm chế lạm phát để tiền lương thực tế tăng thêm của người lao động đỡ hao hụt.
Chung quan điểm, TS Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công, cho rằng tăng lương từ ngày 1/7 không nên trở thành thông lệ hàng năm. Việc chốt phương án cách thời điểm tăng khoảng hai tháng đẩy doanh nghiệp vào "thế đã rồi", dễ gây những rủi ro chính sách không đoán định được, có hại cho môi trường đầu tư.
Thay vì loay hoay giải quyết phần nổi là tăng lương, ông Đồng cho rằng về lâu dài nhà nước cần giải bài toán giảm chi phí tiêu dùng cho lao động. Mức sống của người lao động được quyết định bởi hai vế là thu nhập và chi tiêu, nên thu nhập có thể chưa tăng hoặc tăng chậm, nhưng nếu chi tiêu giảm xuống thì mức sống được đảm bảo.
Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng tăng lương sớm có lợi cho đôi bên dù doanh nghiệp gặp khó khăn ban đầu trong sản xuất. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các hiệp hội doanh nghiệp có quyền kiến nghị, song phương án đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định dựa trên số phiếu của đông đảo thành viên. Việc còn lại là sớm trình Chính phủ thông qua.
Doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn trước mắt để chuẩn bị cho thời điểm tăng lương từ 1/7, bởi đây cũng là cách giữ chân lao động ở lại nhà máy trong bối cảnh thiếu hụt nhân công. Tăng "phá lệ" từ ngày 1/7 khiến doanh nghiệp xáo trộn kế hoạch ban đầu, nhưng về lâu dài lại hưởng lợi hơn.
"Với đà này, chắc chắn trượt giá của năm 2023 cao hơn năm nay, trong khi tiền lương lại giữ ổn định 6% tới hết năm sau thì doanh nghiệp lợi nhiều hơn hại", ông Lợi phân tích, thêm rằng tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện tại mới phần nào bù đắp trượt giá hai năm, và thực tế tiền lương tăng thêm không đáng là bao.
TS Nguyễn Việt Cường, Viện phó Nghiên cứu và phát triển Mekong, ủng hộ phương án tăng lương "càng sớm càng tốt và không nên trì hoãn thêm". Thống kê quý I/2022, chỉ số CPI đã tăng 1,92% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản đã tăng 0,81% nên phải bù đắp trượt giá cho người lao động.
Không phủ nhận tăng lương làm tăng chi phí khiến doanh nghiệp "kêu than", song theo TS Cường, tác động của tăng lương chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI, sử dụng đông lao động như da giày, dệt may... Tăng lương tối thiểu chủ yếu làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không tác động đến mức doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc chuyển đổi sản xuất, bởi giai đoạn 2012-2017, khi lương tối thiểu tăng bình quân 10-15% cũng không xảy ra vấn đề này.
Việc Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất mức tăng và thời điểm tăng đã gửi tín hiệu mạnh tới người lao động khiến họ mong chờ. Nếu tiếp tục lùi tăng lương có thể ảnh hưởng tới quan hệ lao động, khiến các cuộc đình công gia tăng. "Thay vì lùi thời điểm tăng lương, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách hài hòa hơn, như giảm thuế, giãn thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận vốn với chính sách ưu đãi...", ông Cường nói.
Trước đó trong hai phiên đàm phán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng liên đoàn Lao động đưa ra hai mức tăng, thấp là 7,25% và cao là 8,6%, thực hiện từ 1/7/2022. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VCCI muốn tăng ở mức 3-6% và thời điểm điều chỉnh từ 1/1/2023. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương tính toán mức tăng 5-6,18%.
Cuối cùng, Hội đồng thống nhất phương án tăng 6%, tương đương 180.000 đồng đến 260.000 đồng tương ứng với các vùng, thực hiện từ 1/7/2022 và kéo dài 18 tháng.