Chiều 26/11, bà Truyện cho biết hôm qua nhận giấy mời của chính quyền xã đến nhà văn hóa thôn cách nhà 2 km nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do hai cơn bão năm 2020 gây ra. Lúc 14h, bà có mặt, nộp giấy ngồi chờ đến lượt nhận tiền. Chờ đến 17h chưa đến lượt, do có việc nên bà nhờ một người bạn nhận giùm.
Tối cùng ngày, người bạn mang trả 2.000 đồng tiền hỗ trợ. "Tôi quá bất ngờ, mất cả buổi chiều để nhận 2.000 đồng. Giá như ngay từ đầu xã thông báo số tiền để tôi còn biết lên nhận hay không", bà Truyện nói và chia sẻ số tiền không đủ mua xăng chạy xe máy cả đi về 4 km, mua khẩu trang phòng Covid-19.
Bà Huỳnh Thị Thu Vân, Phó chủ tịch xã Tam Vinh, lý giải bà Truyện bị thiệt hại 10 m2 trồng chuối, mức độ trên 70%. Theo quy định, nếu một ha chuối bị thiệt hại trên 70% thì người dân được hỗ trợ 4 triệu đồng, tính ra bà Truyện được 4.000 đồng. Nhưng huyện quy định hỗ trợ 53% trong tổng số đó nên số tiền giảm xuống còn 2.150 đồng.
Lãnh đạo xã Tam Vinh thông tin sau bão Linfa và Molave năm 2020, toàn xã có 588 hộ dân bị thiệt hại cây trồng, được hỗ trợ hơn một tỷ đồng. Trong đó hộ nhận cao nhất 47 triệu đồng; 31 hộ nhận dưới 10.000 đồng, thấp nhất là hộ bà Truyện. Trước khi chi tiền, chính quyền đã niêm yết, công khai danh sách số tiền hỗ trợ.
Khẳng định trường hợp của bà Truyện xã làm đúng quy định, tuy nhiên bà Vân nói sẽ rút kinh nghiệm. Hiện xã mới chi hỗ trợ cho hai thôn, những thôn còn lại xã sẽ in sẵn số tiền hỗ trợ trên giấy mời. Nếu hộ nào thấy ít quá, muốn trả lại thì xã sẽ làm thủ tục chuyển lại cho ngân sách nhà nước.
Năm 2020 có 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có những bão mạnh như Linfa, Molave đổ bộ miền Trung. Riêng bão Linfa (11/10) gây thảm họa lũ lụt, sạt lở đất, làm 130 người chết, 20 người mất tích; 1.000 ngôi nhà bị sập; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập lụt; hơn 1.400 ha lúa và 7.800 ha hoa màu bị thiệt hại. Việt Nam từng đề xuất bỏ tên bão Linfa.