Trong văn bản gửi Ủy ban Bão quốc tế, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu rõ theo quy định được Ủy ban Bão quốc tế phê chuẩn năm 1998, các nước thành viên đóng góp 10 tên bão vào ngân hàng tên, sử dụng khi có cơn bão mới hình thành. Dùng lần lượt hết tên trong ngân hàng thì sẽ quay trở lại dùng tên cũ.
Các cơ quan thành viên được đề xuất loại bỏ một hay nhiều tên bão trong danh sách nếu bão đó gây hậu quả nghiêm trọng. "Việc đề xuất bỏ tên bão Linfa, đổ bộ vào miền Trung Việt Nam ngày 11/10, để nhắc nhở cộng đồng về một cơn bão mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng, cần luôn chủ động trước những diễn biến thời tiết cực đoan", lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn giải thích.
Tên bão Linfa do Ma Cao (Trung Quốc) đề cử, từng được sử dụng vào các năm 2003, 2009 và 2015. Đề xuất loại bỏ tên bão Linfa của Việt Nam sẽ được xem xét tại cuộc họp thường niên năm 2021. Nếu được thông qua, Ma Cao sẽ lựa chọn ba tên bão mới và đề cử tại khóa họp thường niên tiếp theo vào năm 2022 để Ủy ban Bão quốc tế lựa chọn và phê duyệt một tên bão mới.
Bão Linfa (bão số 6) hình thành ở giữa Biển Đông từ ngày 9/10, đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi sáng 11/10 với sức gió cấp 7-8. Gió bão không mạnh, nhưng mưa trước, trong và sau bão đã gây thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất, làm 130 người chết, 20 người mất tích; 1.000 ngôi nhà bị sập; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập lụt; hơn 1.400 ha lúa và 7.800 ha hoa màu bị thiệt hại.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đề xuất bỏ tên bão. Trước đó bão Sao Mai năm 2018 được thay thế thành Sontinh; cơn Lekima năm 2019 đang được đề xuất đổi tên.