Nắng chiều buông dần và ngã rạp trên những đôi chân hối hả. Guồng quay cuộc sống tạm gác lại, họ trở về với mái ấm gia đình, với cha mẹ, với những đứa con. Tôi cũng thế, ngồi trên chiếc xe buýt trở về nhà trọ sau khi tan học, cửa sổ lấm tấm những giọt mưa bất chợt như đánh thức nỗi buồn của người xa quê. Chuyến xe lướt nhanh qua những hàng quán bên đường, tôi chiều lòng vui lây với những đứa trẻ được cha mẹ mớm cơm. Chợt tôi nhớ bữa cơm gia đình, nhưng thật sự là nhớ nội, nhớ mẹ cha.
Nhà tôi có cái sân rất rộng, cứ mỗi sáng đều nghe tiếng chổi của ông nội, nhớ hoài những lần tôi hỏi “sao nội dậy sớm vậy, không ngủ thêm cho khỏe?”, đôi mắt hằn rõ vết chân chim thương nhìn tôi rồi nói “nội già rồi con”. Nội có thói quen hút thuốc, vì tuổi già nên bệnh phổi ngày một nặng. Ngày nội chuyển lên bệnh viện ở Sài Gòn, ngôi nhà buồn hiu. Lúc đó, tôi chỉ mong đến ngày cuối tuần, người bác dâu dắt tôi lên thăm. Phẫu thuật xong, nội ốm lắm, bác sĩ cho ra ngoài để hít thở không khí, thấy tôi nội liền ngoắt lại rồi đưa hộp sữa cắm sẵn ống hút cho tôi. Thương lắm. Ngã bệnh như vậy mà nội còn nhường cháu, nhường con. Xót xa những ngày đầu nội phát bệnh, nội vẫn gồng mình đèo tôi đi học trên chiếc xe đạp cũ kỹ màu xanh. Tấm lưng gầy guộc giữa nắng gió, vẫn mạnh mẽ đưa cháu tới trường kịp tiếng trống vang. Mấy chốc thời gian đã mang nội tôi đi xa…
Nội mất được nửa năm thì người ta cũng mở rộng lộ để thuận tiện cho việc đi lại, cái sân nhà cũng bị hẹp đi một nửa, không còn rộng rãi như xưa, cây bạch đàn trước góc phải sân cũng bị chặt đi, như trái tim tôi đau một phần vì mất nội. Từ độ ấy, tôi đặt tất cả niềm thương vào người đàn ông tuyệt vời còn lại, đó là ba tôi, một “chú xe ôm” không ngại đường quá xa, đưa tôi từ tỉnh lên Sài Gòn thi đại học, trên chiếc xe Dream mà ba mẹ dành dụm tiền mấy năm làm ăn mua được. Vậy mà ngồi nhớ lại khoảng thời gian ba còn sa lầy trong bia rượu, tôi vẫn không khỏi sợ hãi trong nỗi ám ảnh. Có lúc ba nhậu đến khuya, lớn tiếng vô cớ với mẹ. Phải chăng cơm áo gạo tiền làm ba trở nên như thế, nhờ hơi men mà trút nỗi âu lo.
Thấm thoát ba tu tại gia cũng được 3 năm, thời gian đầu không quen với thức ăn chay, ba ốm lắm. Những lúc ba cắt tóc sát da đầu càng lộ rõ sự gầy guộc đằng sau gáy. Tôi thấy ba dần giống nội. Cái dáng gầy gầy, môi mấp máy phì phà khói thuốc, như thả vào làn khói những nỗi niềm không tên. Tôi nhận ra điều đó trong những lần bắt gặp ba ngồi một mình trước nhà, nhìn đường sá, nhìn xe cộ qua lại giữa dòng đời vô tình. Rất hiếm khi ba thể hiện tình cảm rõ ràng đối với con cái, nhưng ắt hẳn con ba thì ba thương yêu hết lòng rồi. Mỗi lúc tôi càng cảm nhận được cái sâu sắc trong từng lời nói, lời răn dạy của ba, ít khi ông giải bày nỗi lòng với ai ngoài mẹ tôi - người mà bà nội hay cả ba đều nói rằng “có thắp đuốc đi tìm cũng không thấy được người thứ hai”.
Lúc nhỏ tôi cũng từng đi đó đây với mẹ nơi quê người xa lạ. Lớn lên, tôi nhiều lúc được mẹ kể nghe chuyện đời, cái gian truân mà tuổi trẻ khổ cực mẹ trải qua. Từ việc bán chuối dạo, ngồi hàng giờ trong xí nghiệp may mặc, đến cả cô công nhân thủy sản phải đạp xe hàng cây số mới đến được nơi làm. Mỗi tối tan ca, mẹ vừa bước vào cửa là cả nhà đều che mũi lại trêu, cũng chỉ là cử chỉ hài hước của gia đình thôi. Mùi cá tanh khắp người mẹ, mặc dù mệt nhưng vẫn nhoẻn miệng cười. Có đôi lúc trong túi không còn “500 đồng mua nước đá”, mẹ buồn hoài những ngày cuối tháng chờ lãnh lương. Tôi giờ đây đủ lớn để hiểu được 9 tháng mang nặng đẻ đau, cảnh cơ cực mà mẹ tôi trải qua. Có thế mới thấm thía được những khó khăn hiện tại mà tôi đã, sẽ và phải trải qua đâu có là gì so với công lao, nỗi cực khổ của cha mẹ.
Tất cả như mộng buồn nơi phố thị phồn hoa. Chợt thấm thía câu “người Sài Gòn bận lắm, chẳng ai dỗ dành đâu”, bởi thế phải dũng cảm mỉm cười để vượt qua những khó khăn, vươn vai sống tốt để ba mẹ được vui. Thật sự gia đình là một bức tranh hoàn mỹ, được phủ đầy màu của tình yêu thương. Tôi luôn mong cho màu sắc của bức tranh ấy luôn tươi mới như sức khỏe của người thân yêu luôn được dồi dào. Là con cái phải biết trân quý gia đình của mình, đừng để mẹ cha phải bận lòng trên đôi mắt hao gầy, đừng để bức tranh phải lem màu buồn bã. Bởi lẽ, được gặp nhau trong đời là một cái duyên.
Con nhớ ba mẹ!
Sài Gòn chiều mưa…
“Có bước chân dài hơn những con đường về nơi tâm vắng lặng”!
Nguyễn Thị Trúc Ngân