Hôm rồi, sau một chuyến bay đêm, không bắt được ôtô để về nhà nên tôi đành bắt xe ôm công nghệ. Đón tôi là một tài xế còn trẻ tuổi. Quãng đường về nhà tôi khá xa, đi buổi tối mát trời nên chúng tôi có nói chuyện với nhau một chút.
Tôi hỏi tài xế đã khuya rồi sao em dám nhận cuốc xe xa, không sợ gì sao? Câu trả lời tôi nhận được rằng, tất cả đều do "cuộc sống mà". Nói chuyện một chút thì tôi biết rằng em đang là sinh viên năm cuối, đi chạy xe công nghệ để kiếm thêm tiền.
Lúc tối đưa khách vào sân bay nên em nán lại thêm đợi khách, không muốn chạy xe một mình về. "Nhà của em cũng ở gần khu này" nên cũng không sợ lắm. Tôi hỏi tại sao em ở trọ xa thế, thì lại biết rằng: Em ở một mình, trong căn hộ được bố mẹ mua cho từ năm nhất đại học.
Lúc này, tôi bảo: "Đại gia mà chạy xe ôm công nghệ lúc khuya, đường vắng là nguy hiểm lắm nhé". Em trả lời: "Ba mẹ em đại gia chứ em thì nghèo"."Ồ, thì ra đây là một GenZer", tôi thầm nghĩ trong đầu.
Ban đầu tôi cũng có phần ganh tỵ với em Gen Z chạy xe ôm công nghệ này, khi em đã có nhà - thứ mà bao nhiêu người làm việc cật lực mấy chục năm trời mới có được. Nhưng tôi lại xấu hổ vì câu chọc "đại gia" của mình khi em ấy trả lời: "Cha mẹ em giàu, chứ không phải em".
Tôi nhận thấy cách nói chuyện và tư duy của em khác xa với những Gen Z được mọi người chia sẻ trên mạng.
Đồng ý là thế hệ nào cũng có người này, người kia, nhưng tại sao các em Gen Z lại bị tố nhiều như thế? Tôi nghĩ rằng, một trong những nguyên nhân chính là do các thế hệ trước thấy "Gen Z bây giờ sống sung sướng quá", nên để ý và bắt lỗi chăng?
Đúng là các em Gen Z sống sướng hơn thời trước nhiều. Những nghĩ kỹ lại, cha mẹ các em thuộc thế hệ 7,8x đời đầu. Những người này cày cuốc, kiếm tiền để cho con cái sống đỡ khổ hơn. Nên Gen Z sống có phần thoải mái hơn là điều tất yếu của cuộc sống kia mà?
Bình Khang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.