Triều Tiên ngày 22/3 thông báo rút các nhân viên tại văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc ở thành phố Kaesong của Triều Tiên. Văn phòng này được mở vào tháng 9 năm ngoái sau khi Tổng thống Hàn Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được thỏa thuận tháng 4/2018.
"Triều Tiên là những bậc thầy về gây áp lực. Rõ ràng họ thấy động thái này là cần thiết để gửi thông điệp đến cả Mỹ và Hàn Quốc" sau khi Mỹ - Triều không đạt được tiến bộ trong hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Oba cho rằng việc Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc không có nghĩa là các nỗ lực đàm phán đang sụp đổ mà đây có thể là chiến thuật nhằm gây áp lực để Seoul và Washington nhượng bộ.
Tuy nhiên, cũng có rủi ro là sau khi hội nghị lần hai không đạt được kết quả, những người theo đường lối cứng rắn đang "cầm trịch" ở Bình Nhưỡng vì phe ủng hộ đối thoại trở nên yếu thế. "Chúng ta không biết câu trả lời, nhưng đây là những khả năng cần xem xét", ông bình luận.
Trong cuộc họp thượng đỉnh, Triều Tiên muốn Mỹ nới lỏng trừng phạt nhưng Washington khước từ. Cheon Seong-whun, cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn, nhận xét động thái của Triều Tiên dường như phản ánh sự thất vọng vì Triều Tiên từng cho rằng Hàn Quốc có thể thuyết phục Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
"Cuối cùng Hàn Quốc không làm được việc đó, khiến Bình Nhưỡng rất thất vọng về vai trò của Seoul", ông nói.
Meari, cơ quan tuyên truyền của nhà nước Triều Tiên, đã bác bỏ đề xuất của Seoul về việc làm trung gian đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington. Họ cho rằng Hàn Quốc "nói nhiều nhưng không làm được bao nhiêu".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhiều lần khẳng định rằng các lệnh trừng phạt không thể được xóa bỏ cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tuần trước cảnh báo Bình Nhưỡng có thể đình chỉ các cuộc đàm phán với Washington nếu Mỹ không thay đổi lập trường.
Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), mô tả việc Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc với Hàn Quốc là đáng ngại. Nhưng ông cũng đồng ý rằng đây nhiều khả năng là chiến thuật gây áp lực hơn là rạn nứt nghiêm trọng.
"Nếu nhìn theo hướng bi quan thì có vẻ như sau khi hội nghị Trump - Kim không đạt được kết quả, ông Kim không còn muốn tiếp tục đàm phán và đang chuẩn bị quay lại mối quan hệ thù địch trước đây", Narang nhận xét.
"Còn nếu nhìn theo hướng lạc quan, đây là động thái được tính toán kỹ nhằm khiến Mỹ không tiếp tục thúc giục Triều Tiên phải nhượng bộ", ông nói thêm.