Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa tuyên bố nước này sẽ không tiếp tục thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng hoan nghênh quyết định, gọi đây là "tin tốt cho cả Triều Tiên lẫn thế giới" và là một "bước tiến lớn".
Tuy nhiên, phát ngôn bất ngờ từ lãnh đạo Triều Tiên vẫn làm dấy lên những hoài nghi về việc liệu Bình Nhưỡng có thật sự thiện chí hay đây đơn thuần chỉ là quân bài mặc cả trước các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng với Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị diễn ra.
Cành ôliu
"Chúng ta không cần thực hiện thêm bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân hay thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm xa hoặc xuyên lục địa nữa", ông Kim nói trong cuộc họp với đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền. "Để đảm bảo minh bạch, điểm thử hạt nhân phía bắc sẽ bị xóa bỏ", ông nhắc tới cơ sở ở Punggye-ri và nhấn mạnh nó "đã hoàn thành sứ mệnh".
Bình luận viên Choe Sang-hun từ New York Times nhận định tuyên bố dừng thử hạt nhân, tên lửa của Kim Jong-un rất có thể là một bước đi chiến thuật, hướng đến mục tiêu đưa Mỹ vào thế yếu hơn trong các cuộc thảo luận sắp tới về kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Một số quan chức Mỹ cho rằng bằng cách "chìa ra cành ôliu", Triều Tiên đang gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Trump, buộc Mỹ phải chấp nhận một thỏa thuận nào đó nếu muốn Triều Tiên đồng ý từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo Washington Post, trong tuyên bố, lãnh đạo Triều Tiên không đề cập tới việc từ bỏ chương trình hạt nhân mà chỉ truyền tín hiệu rằng Bình Nhưỡng sẽ đóng băng nó bởi ông Kim Jong-un đã thỏa mãn với những gì Triều Tiên đạt được vào năm ngoái. Bình Nhưỡng khi đó tuyên bố phát triển thành công "đầu đạn siêu lớn" và tên lửa có khả năng nhắm tới toàn bộ nước Mỹ.
"Thông điệp của Triều Tiên không cho thấy họ đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân", Benjamin Silberstein, nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận xét. "Trái lại, ngôn từ trong thông điệp rõ ràng nhằm thể hiện sức mạnh và sự tự tin".
Tranh cãi
Bình Nhưỡng trong năm ngoái tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nhanh chóng, tạo ra rủi ro bùng phát chiến tranh với Mỹ.
Tuy nhiên, thái độ của lãnh đạo Triều Tiên đã thay đổi đáng kể trong năm nay, với liên tiếp các động thái ngoại giao đáng chú ý như việc đồng ý cử đoàn vận động viên tới dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc. Hồi tháng trước, Kim Jong-un còn có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ thời điểm lên nắm quyền, tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính ông cũng là người đề xuất các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ.
Giới phân tích trong khu vực hiện chia rẽ sâu sắc về động cơ phía sau những hành động nhượng bộ của Triều Tiên, bao gồm cả tuyên bố mà họ vừa phát đi. Một số tin rằng ông Kim chỉ muốn dùng chiêu bài đàm phán để "câu giờ" và giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế mà Triều Tiên đang phải hứng chịu, bởi từ bỏ vũ khí hạt nhân chưa bao giờ là ý định họ hướng tới.
Số khác lại nói Kim Jong-un cuối cùng sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nếu được đáp ứng những điều kiện nhất định, ví dụ như sự đảm bảo về an ninh hay những viện trợ về kinh tế giúp Triều Tiên tái thiết đất nước.
"Đây là một đề xuất rất nghiêm túc, nó hoàn toàn phù hợp với chính sách Triều Tiên đang theo đuổi", Joel Wit, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Chuyên sâu John Hopkins, bình luận về phát ngôn mới nhất của ông Kim. "Họ đã quyết định đến lúc để chuyển từ vũ khí sang tập trung phát triển kinh tế".
Song Joel Wit thêm rằng ông "không rõ chính xác Triều Tiên sẽ làm như thế nào nhưng chắc chắn họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu không có những động thái tương xứng từ phía Mỹ và các nước khác".
Chuyên gia về hạt nhân Ankit Panda nhận định tuyên bố ngừng thử hạt nhân, tên lửa của ông Kim Jong-un không liên quan nhiều tới mục tiêu ngoại giao. Thực tế, nó chỉ nhằm khẳng định rằng Triều Tiên đã "thỏa mãn" với năng lực hạt nhân của mình, vậy nên "không cần tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử nghiệm khác".
Trong thông báo 6 điểm vừa công bố, ông Kim nhấn mạnh Triều Tiên "sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi bị đe dọa hoặc khiêu khích về hạt nhân" và rằng họ "sẽ không chuyển giao vũ khí hay công nghệ hạt nhân".
Theo ông Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, tuyên bố trên rõ ràng ngụ ý Triều Tiên vẫn sẽ duy trì vũ khí hạt nhân, họ chỉ cam kết không chuyển giao chúng.
Nam Sung-wook, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, đánh giá việc ông Kim Jong-un đích thân tuyên bố về kế hoạch ngừng phát triển hạt nhân thực sự "gây chú ý", song nó vẫn tồn tại những điểm mơ hồ.
"Liệu Triều Tiên chỉ đơn giản không tiếp tục phát triển thêm chương trình hạt nhân trong tương lai hay họ sẽ đóng cửa hoàn toàn tất cả các cơ sở hạt nhân? Và họ sẽ làm gì với những vũ khí hạt nhân đang nắm giữ", ông Nam đặt câu hỏi.
Vũ Hoàng