Tượng đài cao 8,5 m, làm bằng đồng, với bảy nhân vật, gồm hai cảnh sát giao thông, ba cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, một phụ nữ lớn tuổi và một trẻ em. Trong đó, nam cảnh sát giao thông đang giúp một phụ nữ lớn tuổi qua đường, nữ cảnh sát đứng trên bục điều tiết giao thông.
Hai tượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên vai đeo bình dưỡng khí, một người tay cầm vòi phun làm nhiệm vụ cứu hỏa, người còn lại bế em bé, thể hiện vừa cứu em khỏi đám cháy. Tượng đài còn có biểu tượng cột đèn tín hiệu giao thông và ngọn lửa.
Công trình do Bộ Công an làm chủ đầu tư, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân (20/7/1962).
Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, cho biết việc xây dựng tượng đài thực hiện đúng theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trước khi xây dựng, Bộ tổ chức thi tuyển kiến trúc. Đã có 5 nhóm tác giả với 10 cụm tượng gửi tới thi tuyển.
Lúc đầu, Bộ Công an muốn tách riêng hai nhóm tượng, song Hội đồng nghệ thuật sau đó quyết định ghép thành một cụm. Cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn được lựa chọn bởi là hai lực lượng gần gũi với nhân dân nhất.
"Tượng đài dựng lên ngoài nhiệm vụ tôn vinh lực lượng công an còn nhằm nhắc nhở người dân ý thức hơn khi tham gia giao thông và phòng cháy chữa cháy", ông Toàn nói.
Chiều 15/7, Hội đồng nghệ thuật cùng đại diện Bộ công an đã nghiệm thu công trình. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá: "Tượng đài về tổng thể rất hài hòa, truyền tải được tinh thần của lực lượng công an vào trong tác phẩm. Vị trí đặt cũng hợp lý, nếu công viên Thống Nhất phá bỏ hàng rào thì bốn mặt bức tượng đều có thể quan sát".
Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành, Trưởng khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nói công trình là sự cố gắng khi chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành. Việc ghép hai cụm tượng riêng rẽ thành một cũng táo báo bởi trong điêu khắc chỉ cần thay đổi động tác tay có khi phải phá bỏ bố cục.
Sau khi tượng đài khánh thành, Bộ Công an sẽ bàn giao cho Công an TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội quản lý, trùng tu. Công trình cũng được xem là điểm nhấn khi phố đi bộ quanh công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang được mở trong tương lai. Để người dân có thể dễ dàng quan sát, từ chiều 15/7, phố Quang Trung được kẻ vạch phân làn biến từ đường một chiều thành hai chiều.
Phạm Chiểu