Thông tin trên được bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết tại Hội nghị Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành sáng 8/7.
"Vừa qua Bộ Chính trị đã họp, ban hành kết luận đề nghị không mở rộng thí điểm nữa mà tiến hành sơ kết theo đề xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương", bà Mai nói.

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc sáng 8/7. Ảnh: Quang Vinh
Trước đó, ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh đề xuất sớm tổng kết mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Mặt trận để triển khai trong cả nước. "Hiện nay có nhiều cách làm khác nhau, nhiều địa phương thành công song một số nơi không được như vậy", ông Hùng nói.
Đơn cử như cấp huyện ở Hà Tĩnh, nơi nào cơ quan dân vận và mặt trận có đội ngũ cán bộ đồng đều, người được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm thực sự đủ năng lực thì thực hiện nhiệm vụ hiệu quả; còn nơi nào nhân sự không có đủ năng lực thì thực hiện rất khó khăn. Đối với cấp tỉnh, nhiệm vụ kiêm nhiệm càng khó hơn.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, cho biết đến thời đểm đại hội, hầu hết các quận huyện của thủ đô không tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm mà sẽ tách trưởng ban dân vận và chủ tịch mặt trận tổ quốc.
Mô hình trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc thực hiện theo nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Cử tri muốn cán bộ khoá mới phải 'xứng tầm'
- Bốn văn phòng Trung ương góp hơn một tỷ đồng chống Covid-19
- Thủ tướng mong Mặt trận Tổ quốc 'phản biện sắc sảo, chân tình'