Nếu thời điểm bây giờ người dùng điện thoại còn canh cánh nỗi lo pin chai, thì 20 năm trước nó là đã điều ám ảnh. Đọc xong bài viết về những người mua iPhone 15 nhưng sợ bị chai pin, sau một tràng cười sảng khoái là những ký ức xưa cũ lại ùa về.
Với đầy đủ cung bậc vui buồn, bực tức lẫn lộn. Tôi nhớ chiếc điện thoại đầu tiên mà tôi sở hữu trong đời là NOKIA 3210 đình đám, dù chỉ dám mua loại secondhand. Model này dường như là chiếc điện thoại đầu tiên có ăng ten ngầm. Nó thịnh hành đến nỗi là hình ảnh luôn được các cửa hàng điện thoại dùng làm hình minh họa trên biển hiệu.
Và một điều sau đáng để mọi người mua là nó có pin dạng trâu, có thể sử dụng được gần cả một tuần lễ. Sự phát triển như vũ bão của các dòng điện thoại do các hãng tung ra khiến người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, nhưng mối quan tâm hàng đầu vẫn luôn là "sóng khỏe, pin trâu".
Và có một giai đoạn, khi mua máy, người ta hay chú trọng đến yếu tố máy có pin rời(có thể tháo được) và máy có pin nguyên khối (không thể tháo được dễ dàng). Và dĩ nhiên pin rời luôn là sự lựa chọn ưu tiên.
Lý do rất đơn giản: pin rời có thể tháo ra thay pin khác dễ dàng nhanh chóng, lại có thể mua bên ngoài - cho dù không là chính hãng. Thời đó, khá nhiều người nhu cầu sử dụng cao đã mua luôn hai, ba cục để sơ cua khi cần thiết.
Còn loại pin nguyên khối thì gắn chặt vào bo mạch, muốn thay thế phải đem ra cửa hàng, vừa mất công, tốn tiền và có thể bị...tráo linh kiện. Mà nói tới chuyện pin, không thể không nhớ tới chi tiết mỗi khi ra mua máy mới ở các chuỗi siêu thị điện thoại có tiếng, thường được các nhân viên nói như cái máy thu âm sẵn: Quý khách mua máy mới về dùng cạn pin, trong 3 lần đầu sạc mỗi lần 8 tiếng. Đó là do pin khi đó vẫn còn dùng công nghệ cũ.
Bây giờ, khi đa số dùng loại pin Li-Ion hay Li-Po, thì không cần phải áp dụng kiểu sạc ban đầu ổn định như thế nữa. Thậm chí có thể sạc nhồi bất kỳ lúc nào thuận tiện mà không cần phải chờ xuống pin.
Trải qua nhiều năm, điện thoại từ một thiết bị chỉ có thoại và nhắn tin, đã biến thành một thiết bị di động"có tích hợp tính năng thoại". Từ màn hình đen trắng, nay đã biến thành một màn hình đủ lớn để có thể chơi game, xem phim, gọi video call...
Và dĩ nhiên, gánh nhiều tác vụ như vậy, nhu cầu pin phải ngày càng gia tăng dung lượng. Nhưng thực tế pin và sự chai pin vẫn luôn là nỗi ám ảnh của không ít người. Cũng may, với sự phát triển về công nghệ và sự đa dạng sản phẩm, vẫn có những yếu tố khác bổ sung và giải quyết các vấn đề hạn chế của pin còn tồn tại.
Gần như bây giờ ai cũng có 2-3 bộ sạc để ở nhà và chỗ làm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Hoặc những chiếc sạc dự phòng có dung lượng dự trữ khá cao, từ 10.000 đến 20.000 mAh nhỏ gọn có thể đem bên mình.
Một điều thuận lợi hơn lúc xưa nữa là: Sự dồi dào về nguồn pin thay thế có chất lượng khá tốt và các cửa hàng chuyên nghiệp sẽ luôn thay pin mới gần như tương đương ngay lập tức. Giá cả lại không đến mức quá cao. Bạn chỉ cần ngồi chờ khoảng 30 phút là sẽ giải quyết xong. Một chiếc máy với pin mới sẵn sàng chờ bạn tiếp tục...cày.
Thành ra theo tôi bây giờ, chuyện pin chai đã không còn là điều quá vướng mắc nữa. Hãy cứ thoải mái sử dụng, khai thác hết công năng của máy, hết pin ta lại sạc. Đơn giản thế thôi mà lại nhẹ đầu.
Điện thoại- cũng như các vật dụng khác- là phương tiện để ta sử dụng, phục vụ các yêu cầu của chính ta, chứ đừng phải lệ thuộc vào nó rồi nơm nớp sợ pin chai. Nếu còn nỗi sợ như vậy, thôi thì đừng xài hoặc mua điện thoại căn bản mà dùng cho rồi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.