Những yêu cầu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2016.
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016 đã được Quốc hội phê duyệt, mức bội chi ngân sách năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Vì thế, Chỉ thị lần này của Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành địa phương phải chủ động điều hành, giữ mức bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Đối với ngân sách địa phương, trường hợp dự kiến thu (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm lớn so với dự toán, các địa phương tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng để chủ động xử lý. Trường hợp nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao (như mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn chưa cần thiết...).
Theo số liệu từ Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), mỗi năm cả nước mua sắm khoảng 1500 xe công, hiện tổng số xe ô tô của các cơ quan hành chính sự nghiệp công lập, tổ chức (chưa bao gồm xe của lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp Nhà nước) là 37.960 chiếc. Cả nước hiện dôi dư khoảng 7.000 xe công nhưng chưa có hướng xử lý, do tới nay cơ quan này chưa nhận được văn bản báo cáo kết quả rà soát và đăng ký mua sắm tài sản công, trong đó có xe ô tô từ phía các bộ, ngành địa phương. |
Tương tự, ngân sách trung ương cũng được sử dụng 50% nguồn dự phòng đã bố trí trong dự toán để xử lý các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh. Đồng thời, tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách trung ương giảm lớn.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước… “Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nộp ngân sách đầy đủ. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ”, chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Đến hết quý III/2016, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế xã hội - ngân sách Nhà nước và dự báo giá dầu thô cả năm, Bộ Tài chính phải tính toán tác động của việc giá dầu giảm đến ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương.