![]() |
Ông Hùng là nhân vật quen thuộc với giới kinh doanh vàng. |
- Giá vàng trong những ngày qua tăng khá mạnh và đã vượt qua mức cản 500 USD/ounce, theo ông đâu là nguyên nhân chính?
- Trong 3 tuần gần đây, thị trường biến động mạnh theo hướng đẩy lên. Bắt đầu từ đêm 28/11, mức cản kỹ thuật 500 USD đã bị phá vỡ. Việc tăng giá được dự đoán từ lâu và là hệ quả của nhiều yếu tố tổng hợp. Thứ nhất, nhu cầu về vàng vật chất, đặc biệt là ở khu vực châu Á tăng mạnh. Thường thì mỗi năm, Ấn Độ - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới - mua vào khoảng 400-420 tấn vàng, nhưng năm nay được dự báo sẽ tăng gấp đôi. Đó là chưa kể nhu cầu đang tăng nhanh ở Trung Quốc. Bạo loạn, khủng bố ở một số nơi cũng làm nảy sinh tâm lý bất an và người ta cảm thấy vàng là phương tiện cất trữ tài sản an toàn nhất. Vì vậy nhu cầu về vàng vật chất ở những khu vực có biến động cũng tăng cao.
Văn phòng đại diện Bipielle Bank được nhắc tới như một địa chỉ khá quen thuộc của giới đầu tư, kinh doanh vàng. Trước đây, Bipielle là đơn vị đầu tiên cung ứng vàng cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi cơ quan này có nhu cầu can thiệp thị trường. Khi nghiệp vụ kinh doanh vàng được mở rộng hơn cho một số đối tượng, các doanh nghiệp thường tìm đến Bipielle để được tư vấn thông tin và kết nối giao dịch vàng với ngân hàng mẹ Bipielle ở Thụy Sỹ.
Bipielle Bank (Suisse) thuộc tập đoàn ngân hàng Bipielle Banking, thành lập từ 1962, ở Lugano, Thụy Thụy Sỹ. |
Gần đây, thỏa thuận của 11 ngân hàng trung ương châu Âu (ký từ 1999) về việc bán ra 500 tấn vàng mỗi năm bắt đầu có hiệu lực trở lại. Song dường như chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ bán ra như cam kết. Ngược lại một số ngân hàng trung ương lại đặt vấn đề tăng mua và cơ cấu lại nguồn dự trữ ngoại hối. Những động thái này ảnh hưởng khá mạnh tới tâm lý của các nhà kinh doanh.
Nhưng áp lực mạnh nhất chính là tâm lý lo lắng về nguy cơ lạm phát leo thang ở một số nền kinh tế chủ chốt. Tháng 1/1980, lạm phát ở Mỹ là 12,5% và giá vàng đã vọt lên 873 USD/ounce, nay chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ là 4,9% và dự báo còn tăng nữa, vì vậy mức cản 500 USD bị phá vỡ là điều đương nhiên.
- Giá vàng sáng nay đã giảm trở lại sau khi đạt mức cản 500 USD/ounce, ông nhận định gì về diễn biến mới này?
- Theo giới phân tích, thị trường đang muốn test (thử) 492-493 USD, sau đó sẽ có động thái mua trở lại và đẩy giá lên. Tuy nhiên, cũng rất thận trọng vì có thể tiếp sau các nhà đầu tư châu Á, thị trường New York sẽ xuất hiện động thái ồ ạt bán ra. Nếu mức cản 492-493 USD/ounce bị phá vỡ, giá có thể quay về ngưỡng 480 USD/ounce.
- Ông dự đoán xu hướng giá vàng thời gian tới sẽ thế nào?
- Nhiều nhà phân tích cho rằng bây giờ mới là điểm khởi đầu của đợt tăng giá vàng và xu hướng đó sẽ tiếp tục xảy ra trong 2006, tất nhiên không thể loại trừ một vài yếu tố khiến giá giảm trở lại. Chu kỳ biến động của vàng hiện nay khác xa với những gì đã diễn ra trong những năm 80 và 87 của thế kỷ trước. Năm 1987, vàng lên 500 USD chỉ trong một ngày sau đó lại tụt xuống. Nhưng từ 2001 trở lại đây, xu hướng chính là vàng luôn tăng giá.
Cá nhân tôi cho rằng có thể có điều chỉnh giảm, giá sẽ quay về 480 USD/ounce. Nhưng đó chỉ là sự điều chỉnh về mặt tâm lý và mang tính nhất thời. Bởi giá dầu sẽ tiếp tục tăng, tạo áp lực tới lạm phát ở Mỹ và nhiều nền kinh tế chủ chốt khác.
Hôm 25/11 vừa qua là thời hạn cuối cùng để các nhà buôn thực hiện thanh khoản hợp đồng giao vàng tháng 12. Song thực tế là họ không thanh khoản mà chấp nhận lỗ để giữ hàng lại, động thái bán ra nhìn chung rất ít.
- Tập đoàn khai thác vàng lớn nhất thế giới Newmont Mining vừa đưa ra dự báo giá vàng có thể lên 1.000 USD/ounce trong 5-7 năm tới. Cá nhân ông bình luận gì về nhận định này?
- Vào thời điểm này, nếu đưa ra con số đó theo tôi là hơi quá mức. Phân tích một cách logic và nhìn tổng thể theo biến động từng năm một thì không có quy luật nào để khẳng định chắc chắn điều đó. Xu hướng 1-2 năm tới có thể vẫn lên, nhưng tính trung bình năm thì giá khó có thể đạt được 1.000 USD sau 5-7 năm nữa.
- Thường thì cứ mỗi khi đồng đôla mất giá, vàng lại tăng cao và ngược lại. Song quy luật đó đã không lặp lại trong những tuần gần đây. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
- Những tháng gần đây đồng đôla tăng giá mạnh so với nhiều ngoại tệ chủ chốt khác, song người ta vẫn đổ dồn vào vàng. Điều đó cho thấy tương quan giữa giá vàng và đồng đôla Mỹ đã không còn đúng nữa. Đồng đôla Mỹ lên giá, Nhà Trắng cũng cố gắng kiểm soát lạm phát. Song nhiều người dự đoán, đến một lúc nào đó đồng Mỹ kim lại xuống. Gần đây Ngân hàng Trung ương châu Âu đang bị áp lực từ các nước thành viên về việc tăng lãi suất đồng euro. Trong tương lai euro sẽ mạnh lên, đồng đôla vì vậy sẽ kém hấp dẫn. Những phân tích này ảnh hưởng khá mạnh tới tâm lý đầu cơ, vì vậy người ta vẫn tin tưởng vào vàng dù hiện tại đồng đôla đang mạnh.
- Việt Nam phải lệ thuộc vào vàng nhập khẩu. Nhưng giá trong nước đang thấp hơn nhiều so với giá thế giới. Ông lý giải hiện tượng này thế nào?
- Ngay giữa mùa kinh doanh cao điểm của ngành vàng mà giá trong nước vẫn thấp hơn thế giới, đó là điểm khá đặc biệt của năm nay. Điều này có thể lý giải ở một số khía cạnh. Từ 2004, khi giá vàng thấp, lượng vàng vật chất được nhập nhiều về Việt Nam. Trong khi đó, tính luân chuyển trên thị trường ít hơn do nhu cầu không cao, khả năng thanh khoản của vàng cũng kém. Hơn nữa, có thể thị trường bất động sản đóng băng, vàng cũng ít được sử dụng làm công cụ thế chấp cho vay đầu tư. Người dân không còn tâm lý tích trữ và không mặn mà lắm khi giá vàng lên.
Mặt khác, đầu tư ở Việt Nam chủ yếu là vàng vật chất, rất ít giao dịch trên tài khoản. Thị trường ít linh hoạt và thiếu công cụ cho người dân đầu tư. Vì vậy, giá vàng trong nước khó theo sát diễn biến thế giới.
- Cũng vì lý do đó mà nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị được xuất khẩu vàng. Cá nhân ông ủng hộ hay phản đối chuyện này?
- Việc Nhà nước phải kiểm soát được giá vàng là đúng, để đảm bảo hạn chế những đột biến ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân cũng như kinh tế vĩ mô. Song cá nhân tôi ủng hộ việc cho phép xuất khẩu vàng vì Việt Nam vẫn chưa sản xuất được vàng nguyên liệu.Khi nhập phải chi ra ngoại tệ, nay nếu cho xuất sẽ thu lại được. Hơn nữa xuất khẩu sẽ làm cho tính thanh khoản của thị trường tốt hơn, góp phần điều tiết cung cầu trong nước. Nếu không cho xuất chính thức xuất, sẽ nảy sinh tình trạng xuất lậu. Tất nhiên, cho xuất vào lúc nào với mức độ ra sao để kiểm soát được thị trường thì đó là công việc của các nhà hoạch định chính sách.
- Mức cản 500 USD/ounce bị phá vỡ, nếu là người nắm giữ vàng trong tay, ông sẽ bán ra hay tiếp tục mua vào chờ giá lên nữa?
- Mua vào hay bán ra còn tùy thuộc vào mục đích của mỗi người. Nếu là nhà đầu cơ dài hạn, tôi sẽ không bán. 500 USD chỉ là khởi đầu của sự biến động. Nhưng nếu xét tới bài toán kinh doanh trong ngắn hạn, 500 USD/ounce là mức giá hấp dẫn để bán ra, nhất là khi giá vàng trong nước không thể lên cao được. Sau khi bán ra, sẽ chờ thời điểm có sự điều chỉnh trở lại thì mua vào.
Nhưng trên thực tế, việc đầu cơ ngắn hạn đó khó có thể thực hiện ở thị trường Việt Nam, bởi giao dịch trong dân cư chủ yếu là vàng vật chất. Điều đó chỉ có thể thực hiện khi kinh doanh trên tài khoản.
- Ông tư vấn gì cho những người có tiền muốn đầu tư vào lúc này?
- Vào thời điểm chưa xác lập được xu hướng ngắn hạn, trên thị trường xuất hiện nhiều động thái mua vào, ít bán ra thì việc "ôm" vàng vào nhiều sẽ không gặp may. Không nên quá hốt hoảng khi thấy vàng có xu hướng tăng cao để từ đó mua vào đầu cơ, trừ khi có nhu cầu thật sự.
Song Linh thực hiện