Tôi phải nói ngay là không nên. Lý do đơn giản đầu tiên là chưa nơi đâu có chương trình đào tạo tốt hơn một trường đại học chính quy. Trường đời, sách, Internet... có thể dạy những kiến thức hữu ích nhưng nên xem đó là nguồn để học hỏi, bổ sung. Nếu coi đó là nền tảng dễ dàng đạt được sự thành công mà không cần đến giáo dục đại học thì cần phải xem xét cẩn thận hơn.
Sách thông thường và sách sử dụng làm giáo trình giảng dạy vốn dĩ khác nhau. Một giáo trình giảng dạy được biên soạn dựa trên tính toán tổng quát và chi tiết để giảng dạy cho một chuyên ngành nhất định, trong khi đó sách lưu hành thông thường có thể được phát triển độc lập hơn và ít dựa vào các tiêu chí giảng dạy kết hợp hơn. Theo đó, đọc sách không theo một chương trình hoàn chỉnh cho một chuyên ngành có thể sẽ có nhiều thiếu sót, nhất là khi loại sách này ít khi được hội đồng chuyên môn thẩm định như sách được chọn làm giáo trình trong những trường đại học.
(Xem thêm: Tại sao cử nhân, thạc sĩ Việt Nam thất nghiệp nhiều?)
Thứ hai, cho dù tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học còn cao, nhưng không có nghĩa là nhóm không học đại học lại có kết quả khả quan hơn chúng ta tưởng. Những tấm gương không cần học qua chương trình đại học như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Steve Jobs, bầu Đức ... cũng không đủ thuyết phục để đám đông bỏ học, tìm kiếm một cơ hội khác. Bởi vì họ thuộc nhóm rất ít người thành công được nhắc đến còn phần đông những người còn lại thì không mấy ai để ý.
Thứ ba, tại hầu hết mọi nơi trên thế giới, việc sử dụng các đánh giá học thuật phổ biến nhất cũng thông qua hệ thống các trường đại học. Đặc biệt tại những nước phát triển, yêu cầu tối thiểu trong các chính sách cấp thị thực để được làm việc tại nước đó là người ứng tuyển phải có trình độ đại học trở lên. Đó là chưa kể đến những quy định ngặt nghèo hơn tại các nước sở tại về chuyện bằng cấp đại học. Ví dụ: việc bầu Đức (người được ngưỡng mộ như đã nêu bên trên) không đến dự một cuộc họp cấp cao trong Liên đoàn bóng đá trong năm nay cũng có liên quan tới tấm bằng đại học còn thiếu của ông.
(Xem thêm: Có bằng tiến sĩ nhưng thất nghiệp vì chỉ muốn lương cao)
Điều cuối cùng, nhóm người khẳng định việc học đại học chẳng mang lại giá trị gì nhiều cho các em học sinh cấp ba dường như chính là những người từng là sinh viên đại học. Liệu khả năng tiếp thu kiến thức bên ngoài xã hội có thực sự tốt không nếu các em chưa một lần kinh qua cách rèn luyện những kỹ năng học thuật như ở đại học?
Suy cho cùng, sự đột phá của bất kỳ cá nhân nào trong một giai đoạn nhất định trong cuộc đời cũng đều dựa nào những nền tảng nhất định trước đó. Do vậy, việc nhận một lời khuyên từ một ai đó về việc rời bỏ đi một chương trình học để đón lấy cơ hội nào đó cao hơn thì phải cân nhắc kỹ để tránh trường hợp ‘lợi bất cấp hại’.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.