Sau khi chương trình đào tạo thạc sĩ được đề ra và có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên phung phí, vì khi tốt nghiệp họ không giúp ích gì và không có việc làm, thậm chí tiền lương còn thua một người tốt nghiệp tại trường dạy nghề. Theo tôi các bạn chỉ suy nghĩ một vấn đề là học xong thì phải có việc hoặc có việc làm đúng nghành nghề và phát minh ra một cái gì đó thì mới là giúp ích cho xã hội. Nhưng nếu các bạn nhìn vào tổng thể thì sẽ hiểu hơn về giá trị của một người có trình độ học thức cao.
Trước tiên chúng ta phải hiểu "dân trí" là gì? Dân trí là nhận thức của người dân thông qua học vấn. Dân trí theo định nghĩa truyền thống là trình độ văn hóa chung của xã hội hoặc đơn giản hơn là trình độ học vấn trung bình của người dân - bao nhiêu phần trăm biết đọc biết viết, bao nhiêu phần trăm có trình độ học vấn cao.
Các nước nghèo, có GDP thấp thường bị quy về nguyên nhân dân trí thấp. Vì dân trí thấp cho nên xã hội không thể phát triển tốt. Bác Hồ từng nói rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Như vậy, các bạn có thể hiểu rõ giá trị của trình độ học vấn của nguời dân rất là quan trọng đối với mỗi quốc gia.
Xã hội hiện nay cũng vậy, một quốc gia giàu thì trình độ học vấn của người dân nước đó sẽ cao. Các bạn có thấy một quốc gia phát triển nào mà dân trí của họ thấp hơn những nước nghèo không? Chúng ta đi học để có thêm kiến thức, học càng cao thì kiến thức càng tốt hơn. Khi các bạn có kiến thức tốt thì sự nhận thức về xã hội và pháp luật tốt hơn. Các bạn có thể quan sát và nhận xét một vấn để tốt hơn.
Tôi có xem một đoạn video, trong đó có hai cô gái quăng xe bỏ chạy vì bình xăng xe bất ngờ cháy, ngay lập tức có hai thanh niên rất "nhiệt tình" mang thau nước lớn tới dập lửa. Đây gọi là thiếu kiến thức mà chúng ta thường gọi là "nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại".
Vậy thì học lên cao kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có tốt cho bản thân hay xã hội không? Câu trả lời của tôi là có. Khi bạn học ra trường thì tức là bạn đã góp phần nâng cao dân trí cho xã hội và ích ra bạn sẽ không lấy nước tưới vào thùng xăng đang cháy.
(Xem thêm: 'Nhiều cử nhân thất nghiệp vì ảo tưởng sức mạnh')
Bản thân tôi may mắn được trải qua thời kỳ "dốt" ở đại học, lúc đó tôi chỉ tốt nghiệp trường xây dựng dạy nghề, nên tôi rất hiểu rõ mặc cảm, tự ti, bảo thủ của một người không có bằng đại học. Trong tư tưởng tôi lúc đó, cứ thấy ai giỏi hoặc thành công hơn là dìm hàng bằng cách chê họ đủ điều, nếu không còn cách nào chê được thì câu cuối cùng có thế chê là nói họ may mắn.
Kiến thức tôi học được là từ quán cà phê và dùng nó để cãi nhau khi có thể. Trong lúc cãi nhau, nếu ai nói theo ý mình thì rất tâm đắc và ngược lại thì cố cãi cho dù luận điểm của họ đúng hay sai.
Mục đích của các cuộc cãi nhau là xem ai thắng và không cần quan tâm ai đúng, thậm chí có lúc tôi còn chê anh kỹ sư cũng chẳng giỏi gì hơn tôi và thách anh ta giỏi thì xây tường với tôi coi thử ai xây lẹ hơn. Bill Gates là người bạn không thể thiếu mỗi khi cần đem ra để che đậy sự yếu kém, mặc dù lúc đó chẳng biết nhiều gì về ông ta.
May mắn thứ hai tôi có được là thời gian học đại học và thạc sĩ. Lúc đó tôi mới hiểu được trình độ đại học nó khác thế nào, bởi tôi thường gặp trao đổi và tranh luận là những người thầy và bạn bè có kiến thức rất tốt và các cuộc tranh luận đều có nguồn và rất logic.
Nếu quan điểm mình không chắc thì mình sẽ lắng nghe và về nhà kiểm tra nghiên cứu thêm. Mục đích của các cuộc tranh luận là để củng cố kiến thức và học thêm. Tất nhiên tôi chẳng bao giờ chê bạn bè hoặc thầy cô nếu họ giỏi hơn.
Nhiều bạn cứ chê rằng học đại học chỉ toàn lý thuyết suông và không thực tế. Nhưng bạn có biết lý thuyết không phải tự nhiên mà có? Lý thuyết các bạn học trong sách vở đã được thực nghiệm và kiểm chứng từ các thực tế và họ rút kết cái tốt nhất và an toàn nhất để đem vào lý thuyết.
Trong thực tế có rất nhiều trường hợp các bạn bỏ qua lý thuyết vì họ cho đó quá rườm rà và thiếu thực tế, nhưng khi xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc thì các bạn lại đổ lỗi cho là "xui".
Ví dụ các kỹ sư Nhật tạo ra chiếc xe máy dựa trên lý thuyết họ biết rằng với trọng lượng bao nhiêu thì xe phân khối như thế nào. Nhưng khi về Việt Nam thì các bạn tự ý gắn máy 100 phân khối vào xe dành cho 50 phân khối để chạy lẹ hơn và còn tự hào rằng kỹ sư Nhật thua thợ máy Việt Nam.
Các bạn có thể thắc mắc tại sao học đại học lại học nhiều môn vô bổ, trong khi học trung cấp tay nghề rất thực tế chỉ học chuyên về một thứ? Bởi vì các bạn học trung cấp tay nghề chỉ học cách sử dụng, trong khi học đại học hoặc cao học đòi hỏi phải có tư duy và nghiên cứu. Tất nhiên không phải nghiên cứu nào cũng trở thành phát minh được, nhưng nếu chỉ cần 1/1000 nghiên cứu thành công thì nó sẽ giúp ít rất lớn cho xa hội.
(Xem thêm: Tại sao cử nhân, thạc sĩ Việt Nam thất nghiệp nhiều?)
Khi học đại học, mặc dù ngành của tôi là IT nhưng tôi phải học các môn toán , lý, logic và đồ họa... Tôi cũng có suy nghĩ tại sao không tập trung chỉ học những gì liên quan tới vi tính thay vì học những môn học chẳng liên quan. Nhưng khi nghiên cứu luận văn thạc sĩ tôi mới thấy rõ tầm quan trọng của nhưng môn mình coi là vô bổ.
Học trung cấp tay nghề cũng rất tốt và dĩ nhiên sẽ tốt hơn là các bạn không học gì, nhưng cái sai lầm là các bạn cứ tưởng rằng trung cấp tay nghề là thực tế và tốt hơn đại học hoặc thạc sĩ. Nếu các bạn đổ thừa cho nền giáo dục đào tạo ra toàn thạc sĩ giấy thì nền giáo dục đó cũng tạo ra những anh trung cấp tay nghề chẳng ra hồn gì.
Vấn đề tôi muốn so sánh chung ở đây là trình độ thạc sĩ khác xa với trình độ trung cấp. Còn về việc các bạn cứ đem một người trung cấp tay nghề làm việc siêng năng hơn một anh sinh viên đại học nào đó, thì đấy là phạm trù và bản tính của từng con người.
Anh trung cấp siêng năng là vì bản thân anh ta siêng năng làm việc, không phải vì nhờ học trung cấp mà anh ta làm việc siêng năng. Nếu anh ta học lên đại học thì anh cũng sẽ là một sinh viên đại học siêng năng và ham học hỏi. Nếu muốn so sánh bạn hãy lấy cùng một người học trung cấp và sao đó anh ta học lên đại học thì sẽ hiểu rõ khác nhau thế nào và tôi là một trường hợp điển hình.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.